Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/03/2016 02:43
Hình ảnh Kinh thành Thăng Long thời Trần

Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần vừa trùng tu công trình cũ, vừa xây mới một số công trình kiến trúc ở Thăng Long. Dưới đây là vài nét về hình ảnh Kinh thành Thăng Long thời Trần.

 
Năm 1237, trên bờ sông Cái sau cuộc loạn của Trần Liễu được dẹp yên vào tháng giêng, tới tháng hai, đã di tạo điện Linh Quang ở bến Đông Bộ Đầu gọi là điện Phong Thuỷ (Gió Nước). Phàm xa giá của vua từ hoàng thành đi ra, trú chân ở đó, các quan đưa đón tất dâng trầu cau và trà, cho nên tục gọi là điện Hô Trà (Gọi Chè). Đó là một công trình “dân dụng”.
 
Năm 1243, nhà Trần trùng tu Quốc Tử Giám và đến năm 1253 lập viện Quốc Học, tô tượng á thánh Khổng Tử, Chu Công và vẽ hình thất thập nhị hiền của làng Nho để phụng sự. Tháng 9 năm đó, chiếu cho các nho sĩ trong nước đến viện Quốc Học giảng Tứ thư, Ngũ kinh. Thăng Long thường xuyên hơn tổ chức các kỳ thi thái học sinh (như thi Đình ngày sau) và đã ban tặng danh hiệu tam khôi cho ba người đỗ đầu kỳ thi đó (1247).
 
Thăng Long thời Trần vẫn là một Thăng Long trọng võ. Tháng tám năm 1253, lập Giảng Võ đường, vương hầu tôn thất đều phải đến đó luyện rèn võ nghệ.
 
Ngoài Giảng Võ đường, nhiều nơi khác ở Thăng Long được dùng làm nơi luyện võ. Như bến Đông, hồ Tây… Theo sử cũ rằng ngự sử đại phu Trương Đỗ cuối thế kỷ XIV là người thanh liêm, phóng khoáng, có chí lớn, khi còn nhỏ ngụ ở phường Cơ Xá – Nghi Tàm, có lần đi chơi hồ Tây, xem tướng quân tập bắn, nói đùa rằng: “Nghề ấy thì có khó gì!”. Tướng quân ngạc nhiên hỏi: “Mày bắn trúng được không?”. Trả lời: “Xin thử xem”. Bắn ba phát trúng cả ba…
 
Về chùa, quán, không thấy sử chép nhà Trần có xây dựng những chùa quán lớn ở kinh sư. Phần nhiều là trùng tu. Như năm 1249, trùng tu chùa Diên Hựu (Một Cột), vua xuống chiếu vẫn theo lệ cũ nhà Lý, chùa sửa xong, đại xá cho dân. Năm 1258, đỉnh tháp Báo Thiên đổ, vì tháng tám năm ấy có bão to. Đến năm 1322, tháng ba mùa sấm dậy, sét lại đánh vào tháp Báo Thiên, sạt mất tầng hai ở góc phía đông, nhà Trần phải làm lại nhưng đến năm 1406, chỏm tháp Báo Thiên lại gãy xuống. Chỏm tháp bắn đi mất. Sau có người điền phu nhặt được, lại đem dựng lên thì sét lại đánh vào (theo An Nam chí lược). Cũng không thấy chép cuộc trùng tu nào lớn sau đó nữa…
 
Việc xây dựng ở kinh thành, sử chỉ chép sơ sài như vậy. Từ những cứ liệu tản mạn, chỉ có thể hình dung đại khái cảnh trí kinh thành đời Trần như sau:
 
- Một quần thể kiến trúc, bao gồm các cung điện lầu gác trong hoàng cung. Chủ yếu xây dựng đầu thời Trần. Sau kháng chiến chống Nguyên, hoàng thành bị tàn phá nặng nề, nhà Trần cũng chỉ sửa chữa sơ sài, không làm lớn. Vì nhà Trần có chế độ hai vua, “quan gia” - tức đương kim hoàng đế - và vua cha - tức thái thượng hoàng. Các thái thượng hoàng thường lui về ở Thiên Trường (Nam Định), ở đó có xây dựng một hệ thống cung điện khác. Lại nữa, cuối thời Trần, loạn lạc luôn, hệ thống lăng mộ nhà Trần dời sang miền Yên Tử (Đông Triều), có hành cung ở đó, thượng hoàng cuối Trần cũng hay lui về đó, nên ít để tâm xây dựng lớn Thăng Long.
 
- Lệ nhà Tần, các vương hầu đại quý tộc đều có phủ đệ riêng ở các địa phương được phong cấp hoặc được cử ra trấn trị. Bình nhật, quý tộc phân tán ở các địa phương, có việc, mới lên Thăng Long chầu vua, xong việc lại về các phủ đệ ở địa phương. Cho nên ngoài kinh thành chỉ có một số phủ đệ của vương hầu ở Gia Lâm (Trần Quang Triều), ở Kẻ Mơ (Trần Khát Chân)… Năm 1324, Văn Huệ vương Trần Quang Triều đem 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm cúng cho chùa Quỳnh Lâm.
 
- Khu Quốc Tử Giám và Văn Miếu cùng các khoa thi Nho giáo (thi Hương, thi Hội, thi Đình) được chú trọng hơn. Nhà Trần thượng võ, khu Giảng Võ được mở rộng. Chùa, đền, quán… căn bản là duy trì trạng thái cũ. Một số chùa mới dựng đời Trần thì căn bản đều ở các địa phương.
 
- Khu cảng Đông Bộ Đầu vẫn là nơi có cụm kiến trúc to đẹp của triều đình vì đây là quân cảng, là nơi diễn tập thuỷ chiến, là nơi tổ chức hội nước mùa thu. Ngoài ra, nhà nước vẫn chăm sóc đến các khu đền Đồng Cổ, khu đền Hai Bà và chùa Vua, khu hồ Tây là nơi du ngoạn và có hành cung xem đánh cá (quan ngư),…
 
 
Vân Khánh tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)