Tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử và hiện tại
Trong lịch sử, nhân loại đã phải gánh chịu nhiều cuộc chiến tranh và xung đột sắc tộc, dân tộc, bạo loạn, khủng bố… và vấn đề bảo vệ, giải phóng kinh đô, thủ đô luôn nổi lên hàng đầu trong toàn bộ sự nghiệp bảo vệ, giải phóng đất nước. Sở dĩ như vậy bởi nhiều lẽ: Thứ nhất, lĩnh vực quân sự luôn gắn chặt với vấn đề tồn vong của cả thể chế chính trị, cho nên sự nghiệp bảo vệ, giải phóng kinh đô, thủ đô là vấn đề chính trị cực kỳ to lớn, mọi thắng lợi về quân sự chỉ có ý nghĩa khi gắn với củng cố, phát triển bền vững thể chế chính trị và giữ gìn thành quả chính trị. Thứ hai, bảo vệ, giải phóng kinh đô, thủ đô chính là trực tiếp bảo vệ, giải phóng trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu của đất nước. Thứ ba, bảo vệ giải phóng kinh đô, thủ đô nhằm tạo nên một trong những động lực mạnh mẽ nhất để bảo vệ, giải phóng đất nước.
Đối với Thăng Long - Hà Nội, tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng vùng đất này được thể hiện xuyên suốt trong cả lịch sử và hiện tại. Thời dựng nước của dân tộc ta lưu lại dưới dạng truyền thuyết về kỷ Hồng Bàng, với tổ chức quyền lực xã hội còn in đậm dấu ấn văn hóa huyết thống và văn hóa bộ tộc; quân đội chưa được thành lập và sự phân định nông - binh chưa rõ nét; hoạt động quân sự chuyên biệt chỉ được dùng đến trong trường hợp chống ngoại xâm. Tuy nhiên, mọi hoạt động quân sự trong thời này đã có dấu ấn của tâm thức bảo vệ sự tồn vong và phát triển cả cộng đồng dân tộc. Đến thời An Dương Vương thì sự phân định nông - binh bắt đầu rõ nét, quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” bắt đầu phát huy tác dụng việc binh đã bắt đầu có tính chuyên biệt và có những bước tiến đáng khâm phục. Lịch sử cho thấy bảo vệ thành Cổ Loa gần như đồng nghĩa với bảo vệ đất nước.
Dưới thời Bắc thuộc, cuộc đấu tranh chống đồng hóa của dân tộc ta gắn liền với những cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra và có một dấu hiệu đáng chú ý là thường diễn ra trên vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Về cơ bản, mô thức hoạt động quân sự tiêu biểu lúc bấy giờ chỉ mang dấu ấn sự nổi dậy của người dân không mặc áo lính chống lại ách đô hộ ngoại bang.
Khi được nhà Lý chọn là kinh đô, sự nghiệp bảo vệ Thăng Long thực sự là bảo vệ kinh đô tiêu biểu cho ý nghĩa mở mang nền văn hiến Đại Việt, tuyên ngôn cho tinh thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Đồng thời đây cũng là sự nghiệp tiêu biểu cho sự hình thành phương thức bảo vệ một quốc gia có chủ quyền. Công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận phòng thủ đất nước, tổ chức và phát động toàn dân tiến hành chiến tranh giữ nước, xây dựng phương án tác chiến… đã bước đầu được hoàn chỉnh. Đến thời nhà Trần, sự nghiệp bảo vệ giải phóng Thăng Long - Hà Nội phát triển theo khía cạnh kết hợp “bảo vệ Thăng Long” với “giải phóng Thăng Long” diễn ra nhuần nhuyễn và rất linh hoạt để giải được bài toán “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”. Thời Lê, tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội thể hiện tiêu biểu cho loại hình chiến tranh giải phóng, cuộc tấn công thành Đông Quan mang ý nghĩa quyết định cho toàn bộ công cuộc kháng chiến lâu dài chống ngoại xâm. Trong những lần Bắc tiến của Nguyễn Huệ, khi tiến hành “phù Lê - diệt Trịnh” thì giải phóng Thăng Long mang tầm quan trọng của việc khôi phục vương triều chính thống, ổn định chính trị đất nước; song khi tiến hành tiến công thần tốc đạp tan quân Thanh xâm lược, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa - Thăng Long đã mang ý nghĩa quyết định đem lại thái bình cho đất nước.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Việt Nam hầu như không có vị thế gì trên bản đồ thế giới. Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp, là nơi mặt bằng dân trí có thể cho phép người dân hướng về những tư tưởng cứu nước mới. Cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thành công ở Hà Nội tháng Tám năm 1945 là hạt nhân quyết định thắng lợi của cuộc cánh mạng trên cả nước. Suốt hai cuộc kháng chiến, Hà Nội luôn là trái tim của cả nước. Giải phóng Thủ đô năm 1954 đánh dấu thắng lợi của chín năm kháng chiến trường kỳ và chiến thắng B52 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội là động lực quan trọng nhất để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Thủ đô Hà Nội càng thể hiện rõ tầm quan trọng mang ý nghĩa quyết định. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội trước hết là bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước, bảo vệ cuộc sống, lao động của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đồng thời là trực tiếp bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ bộ máy quyền lực cao nhất của Nhà nước và của toàn bộ hệ thống chính trị - trung tâm chỉ huy, điều hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đầu não của các lực lượng vũ trang nhân dân trong cả nước. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội liên quan trực tiếp đến sự mất còn của chế độ chính trị và thành quả cách mạng, đồng thời chính là bảo vệ trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục, quan hệ quốc tế… của cả nước. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội cũng chính là bảo vệ tên tuổi của đất nước và dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội