Truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam và sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội
Vùng đất Thăng Long - Hà Nội có hàng nghìn năm văn hiến và là miền “địa linh, nhân kiệt”, đi đầu trong cuộc chiến tranh bền bỉ chống chính sách đồng hóa của ngoại bang. Thăng Long - Hà Nội là nơi đóng góp nhiều chiến công hiển hách; là nơi tỏa sáng nhiều tài năng, anh hùng, nhân vật lịch sử quân sự. Nơi đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện tiêu biểu mà qua đó có thể rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích cho công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay. Trong lịch sử dân tộc, sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội luôn là điểm hội tụ những nét đẹp trong truyền thống văn hóa quân sự của dân tộc.
Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi thể nghiệm sâu sắc những tư tưởng quân sự cơ bản, mà còn thể hiện rõ nét nhất nền nghệ thuật quân sự đặc sắc của người Việt qua các trận quyết chiến chiến lược. Trong lịch sử, do quân của triều đình chủ yếu đóng ở Thăng Long - Hà Nội nên có quan hệ trực tiếp với nhân dân kinh thành để lập nên những chiến công hiển hách. Những cách đánh đa dạng của chiến tranh toàn dân bảo vệ và giải phóng đất nước đều có đất dụng võ thành công nhất trên mảnh đất này. Việc nắm vững không gian, thời gian, tạo thế, chọn thời cơ giáng đòn quyết chiến giành thắng lợi; cách thức hạ quyết tâm chiến đấu gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá đúng địch - ta, địa hình, thời tiết… với việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân và dân; phát huy sức mạnh các loại vũ khí, phương tiện tiêu diệt địch… cũng được kết tinh điển hình trong những cuộc chiến đấu bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội.
Hệ giá trị văn hóa quân sự Thăng Long - Hà Nội mang những dấu ấn riêng của cộng đồng cư dân thị thành, của hình mẫu con người Tràng An văn minh, thanh lịch. Hơn nữa, do thường đi tiên phong trong các cuộc chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng, nên những nét đặc sắc của văn hóa quân sự Thăng Long - Hà Nội luôn trực tiếp trở thành di sản văn hóa quân sự chung của dân tộc ta. Người Thăng Long - Hà Nội khá kỹ tính và kín kẽ trong cách ăn, cách mặc, cách ứng xử, giao tiếp thì cũng rất kỹ tính và kín kẽ trong đánh giặc; chọn mục tiêu có giá trị mà đánh, chọn nơi có lợi mà đánh, biết lúc nào thì đánh diệt, lúc nào thì đánh dọa và lúc nào thì đánh đuổi. Người Thăng Long - Hà Nội cũng thường lo xa, nhìn rộng, nên coi việc chặn giặc từ xa quan trọng hơn là chống giặc gần, dù ở thế “đánh giặc nhàn” vẫn chuẩn bị rất chu đáo để sẵn sàng tản cư toàn thành, thực hiện kế thanh dã, rút lui chiến lược, tiêu thổ kháng chiến. Đặc biệt với người Thăng Long - Hà Nội, đánh thắng giặc chưa phải là xong, mà còn phải làm thế nào để chúng không còn dám mơ tưởng quay lại xâm lược, nên rất khéo léo kết hợp giữa đánh và đàm, đánh mãnh liệt mà vẫn cố giữ được hình hài đô thành tươi xinh, thanh lịch. Người dân Thăng Long - Hà Nội giàu lòng bao dung, độ lượng và rất nhạy bén về ứng xử chính trị đã biết nén nhịn đau thương và căm thù trong thực hiện chủ trương của nhà nước là “mở lượng hiếu sinh” tha cho những kẻ bại trận, những kẻ đã từng làm tan nát nhà cửa, giết hại người thân của họ, để giữ đường hòa hiếu lâu dài. Đó cũng chính là sự khởi nguồn của truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội