Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/03/2016 03:30
Hồ Gươm - lắng đọng huyền thoại tạo cảm hứng thi ca

Hồ Gươm - tấm gương xin xắn ở trung tâm thành phố Hà Nội, là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội có diện tích khoảng 12 ha. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt). Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ XV gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.

 
Cội nguồn của hồ Gươm cũng như hồ Cổ Ngựa, hồ Hàng Bạc – Hàng Đào, hồ Sao Sa (Hàng Chiếu) là một khúc sông Hồng. Và vì vậy xưa kia rất lớn. Nhà địa chất và địa lý mách bảo ta: Hà Nội là cả một “dải phù sa trên bãi” của sông Hồng. Liên quan đến sự đổi dòng của sông Hồng, đất Hà Nội qua hàng nghìn năm lịch sử, với bàn tay và khối óc người Hà Nội, có cái xu thế ngày càng lấn về phía đông, nghĩa là phía bãi sông… Đê nay chạy từ Thanh Trì lên ô Đống Mác, Viện bảo tàng Lịch sử, Cột Đồng hồ, đường Trần Nhật Duật, bến Nứa, nhà máy nước, ô Yên Phụ rồi thẳng lên Nghi Tàm, Quảng Bá. Ở phía tây con đê này, có ít nhất một con đê cũ. Tức là con đê đã quá thời, bị phá huỷ trong quá trình xây dựng Kẻ Chợ (Hà Nội), song ta vẫn còn nhận được vài khúc. Bắt đầu từ ô Đống Mác, đê cũ chạy theo đường Lò Đúc – Hàm Long tới dốc Hàng Kèn, qua phố Bà Triệu - tiến thẳng tới Hàng Trống, đi lên các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, phố Hàng Than. Các phố phường ở phía đông con đê cũ này ngày xưa là bãi cát của sông Nhị sát với chân đê cũ, cũng như Phúc Xá, Phúc Tân sát với chân đê mới.
 
Hồ Gươm là một di tích khúc sông Nhị bị những bãi cát chèn ở phía bắc, phía đông. Trước đây hơn sáu bảy chục năm, còn có nhiều hồ ao ở khoảng giữa hai đê cũ mới: giữa hồ Cổ Ngựa và hồ Gươm là hồ Hàng Bạc, Hàng Đào. Giữa hồ Hàng Đào và hồ Gươm có một con lạch thông với sông Nhị, trên cái lạch ấy có bắc cầu bằng gỗ - tên phố Cầu Gỗ sau này là từ đó mà ra. Hồ Gươm còn kéo dài qua phố Tràng Tiền, Vọng Đức… xuống tận Hàng Chuối, Lò Đúc bây giờ. Tang thương ngẫu lục chép: “Hồ Gươm thông với nước ngoài sông, hhình thế rất là to rộng”. Trong Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông kể chuyện rời phủ chúa trở về xứ Nghệ đã xuống thuyền ở bến Tràng Tín - đầu phố Hàng Chuối hiện còn chùa Tràng Tín (số nhà 3).
 
Sử Lý - Trần hầu như chẳng nói đến hồ Gươm. Nghe nói thời ấy gọi là hồ Lục Thuỷ - hồ soi bóng tháp Báo Thiên cao vài mươi trượng, 12 tầng, “tầng tầng bảo tháp chọc mây trời”. Thời đầu Lê, gọi là hồ Thuỷ Quân, dùng làm nơi duyệt thuỷ binh, tập thuỷ trận, đua thuyền. Từ hồ Thuỷ Quân đổi thành hồ Hoàn Kiếm là cả một sự tích thần kỳ. Chuyện “Trả gươm thần”, người Hà Nội nghe kể đã nhiều, song ý nghĩa câu chuyện thì chưa mấy ai đào sâu tìm hiểu. Trên đại thể, người ta cho truyền thuyết ấy kể việc Lê Lợi được gươm thần đề chữ “Thuận Thiên” từ nước: ý trời trao sứ mệnh cho người anh hùng đứng lên xướng nghĩa cứu dân, giúp nước, quét giặc ngoại xâm. Mười năm khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, người anh hùng lên làm vua, đi thuyền trên hồ, trời sai Rùa Vàng hiện lên lấy lại thanh gươm. Đó là chủ đề bất tuyệt: “Chiến tranh và hoà bình”.
 
“Nước trong chưa vấn tăm thần kiếm…”
 
Gươm vẫn còn đó, giữa đáy hồ: khi cần đến thì gươm vẫn thiêng, khí mạnh muốn diệt thù (Kiếm hữu dư linh, khí dục thâu - Nguyễn Văn Siêu).
 
Thực ra đấy là vang bóng của một mẫu đề thần thoại và một lễ tiết cổ xưa. Nếu về mặt chính trị - xã hội, thanh gươm là biểu tượng của tia chớp - lửa. Thanh gươm của vua Lửa (Hoả Xá) Tây Nguyên là tượng trưng cho sấm sét. Gươm thiêng của các vua Campuchia thuở trước nếu tuốt ra khỏi mà không trải qua nghi lễ thì người ta tin rằng cả vương quốc sẽ bị lửa thiêu tàn. Nhúng gươm xuống nước là nghi lễ phồn thực. Lại vì gươm là tượng trưng của chớp lửa nên nghi lễ nhúng gươm xuống nước cũng là một nghi lễ chống lụt: vua Xiêm (Thái Lan) thuở trước dùng gươm vàng đập nước sông, vua Ngô Việt dùng cung nỏ bắn sóng biển, tất cả đều là nghi thức chống lụt. Và tất cả đều có liên quan đến tục đua thuyền cầu mưa hay cầu tạnh.
 
Sự tích hồ Gươm - gắn liền với một vị anh hùng lịch sử Lê Lợi – là sự diễn tả về mặt thần thoại một nghi lễ cổ xưa chung cho cả vùng Đông Nam Á nghi lễ chống lụt và cầu mong sự hài hoà của non nước.
 
Tuy không phải là hồ lớn nhất trong thủ đô, song hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Câu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu. Hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình.
 
 
Khánh Thư tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)