Đền Hai Bà và chuyện về lễ hội rước kiệu Hai Bà
Tương truyền sau khi chết, khí anh linh Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi đến thời Lý mới tới vùng Thăng Long. Một đêm đầu tháng hai âm lịch, hai pho tượng đá toả sáng trên dòng sông Nhị trước bãi Đồng Nhân; dân làng lấy vải đỏ làm lễ buộc tượng đón các bà vào. Sắc phong đời Chính Hoà (cuối thế kỷ XVII) ghi: “Lĩnh Nam liệt khái, thạch hoá chân dung” (Đấng nghĩa liệt khảng khái đất Lĩnh Nam, dung mạo kết tinh thành đá). Tượng đá có cái thế hai tay giơ cao như đang rẽ nước tiến lên, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp. Đó, tư thế lẫm liệt của người Việt Nam – chiến sĩ!
Vua truyền dựng đền thờ, lại phát hai đôi ngà trang trí hai pho tượng voi thờ. Hàng năm, theo lệ tục, ngày 6 tháng hai âm lịch, dân làng rước voi ra sông Nhị, lấy nước giữa dòng về làm lễ “mộc dục” (tắm tượng) và dâng cúng quanh năm.
Đền xưa vẫn ở bãi Đồng Nhân, sát sông Hồng. Năm 1819, bãi sông bị lở, đền được chuyển vào phía trong lòng, tại thôn Hương Viên, trên khu nền “Cựu võ sở”, thời Lê dùng làm nơi luyện võ, thi võ. Tức là đền Hai Bà ở phố Đồng Nhân ngày nay.
Sau đây là lịch những ngày lễ hội:
- Mồng 6 tháng giêng: ngày Vua Bà đăng quang.
- Mồng 6 tháng hai: ngày hội lớn, hội chính; lễ tắm tượng.
- Mồng 1 tháng tám: ngày thánh đản (sinh nhật)
- Mồng 8 tháng ba: ngày thánh hoá (Hai Bà Trưng tự tận). Ngày này tháng ba mới là ngày hội chính ở đền Hát Môn.
Ngày trước, từ tháng hai, mồng 4 dân làng bắt đầu tế lễ, gọi là tế nhập tịch. Mồng 5, lễ rước nước, hàng trăm người rước kiệu, bơi thuyền ra giữa sông lấy nước, nấu trầm hương để bao sái tượng: rõ ràng lễ rước nước tháng hai đền Đồng Nhân cũng như tiệc bánh trôi tháng ba đền Hát Môn là sự ảnh xạ vào lịch sử những lễ nghi nông nghiệp cổ truyền từ trước thời đại Bà Trưng. Cũng vì thế, ngay từ thời Lý, vua vẫn cầu mưa ở đền Nhị Thánh Trinh Linh phu nhân: sau pho tượng đá Bà Trưng – anh hùng lịch sử - vẫn lung linh bóng dáng một nữ thần nông nghiệp! Hai vị lão bà trong làng goá chồng và đức hạnh, được dân cử ra để hậu cần Hai Bà: tắm tượng và thay áo mới cho Hai Bà trong ngày hội lớn. Mồng 6: tế, lễ chay. Mồng 7: lễ xôi thủ. Mồng 8: mỗi giáp một lợn, năm giáp năm lợn tế. Đàn ông hành lễ - là lễ nghi phong kiến - còn việc dâng cúng rượu trà vào hậu cung, theo tục lệ cổ truyền vẫn phải là lão bà.
Hai Bà Trưng có 36 nữ tướng, là huyền tích cổ truyền. Con số 36 không phải là con số toán học, mà là một con số tượng trưng: rất đông, rất nhiều người cả nam lẫn nữ, cả miền núi lẫn miền xuôi đều tham gia khởi nghĩa. Vì vậy người Choang ở Quảng Tây thì nói Bà Trưng là người Choang, người Nùng Long Châu thì bảo Bà Trưng là người Nùng, còn Bà Trưng của vùng châu thổ sông Hồng thì rõ ràng là người Việt. Nhà lý và các triều đại độc lập tiếp theo, tiếp thu lòng yêu nước tinh thần dân tộc của toàn dân, đã tôn sùng hai vị nữ anh hùng dân tộc. Đền Hai Bà được cấp 36 mẫu ruộng, dân miễn phu phen lính tráng, ruộng miễn thuế tô để dồn sức và của vào việc đèn nhang cúng bái trong đền. Làng Đồng Nhân có 20 họ, mỗi họ cử người làm một căn nhà trong khu đất quanh đền. Đền cũ và đền mới. Thế là làng Đồng Nhân có 20 họ, mỗi họ cử người làm một căn nhà trong khu đất quanh đền. Đền cũ và đền mới. Thế là làng Đồng Nhân phát triển, cả ngoài bãi lẫn trong làng. Làng sở tại thờ Hai Bà nên cũng thơm lây một tục đẹp: nể nang, tôn trọng phụ nữ. Bàn việc hội hè, tế lễ phải có phụ nữ mới xong. Chia 36 mẫu đất cho các hộ trong làng, cũng có sự bàn bạc chung giữa các cụ lão ông, lão bà.
Cũng như Hai Bà Trưng, xuất thân con gái đất bãi - giỏi trồng dâu, chăn tằm, dân Đồng Nhân xưa, nghề chính cũng trồng dâu chăn tằm. Ngoài ra, còn trồng trọt hoa màu ở bãi. Và khi làng xưa đô thị hoá, thì dân làng cũng làm sam bao nhiêu nghề khác…
Làng Việt Nam có tục “kết nước ngãi (nghĩa)” làng anh, làng em. Lý do giải thích sự kết nghĩa thì nhiều.
Đồng Nhân cũng vậy. Đồng Nhân Hà Nội kết nghĩa với Phụng Công cách xa (xưa thuộc Bắc Ninh) và với cả Hạ Lôi (Vĩnh Phú), Hát Môn (Hà Tây), đi lại phải một ngày đường. Lý do kết nghĩa: bốn làng cùng thờ Hai Bà Trưng. Tương truyền Hạ Lôi quê hương, Hát Môn là nơi tụ nghĩa, tế cờ, truyền hịch, Phụng Công là nơi đóng quân một thời gian. Và khi 100 dân Đồng Nhân rước tượng đá vào bãi thì 38 dân Phụng Công phường chợ đi qua cũng xúm vào giúp sức, sau đó Phụng Công cũng thờ vọng Hai Bà. Ấy vì vậy mà chuyến đò nên ngãi đến tận ngày nay. Hàng năm trước, mồng 5 tháng hai, 100 nam nữ Phụng Công sang Đồng Nhân dự lễ rước nước, tế đền, mồng 7 mới về, được dân Đồng Nhân ân cần tiếp đãi. Ngược lại, mồng 9 tháng tư, Phụng Công mở hội thi nam nữ, nam nữ Đồng Nhân lại sang dự và cũng được tiếp đãi ân cần không kém. Dân hai làng Hát Môn và Hạ Lôi cũng đi lại thân thiết với dân làng Đồng nhân cùng dự những ngày hội lớn của nhau. Phong tục đẹp xoay quanh hai vị nữ anh hùng, hai hình ảnh đẹp tuyệt vời của lịch sử Việt Nam.
Đền Hai Bà - với đình Đồng Nhân và chùa Viên Minh kèm bên - hợp thành một tổng thể tôn giáo Việt Nam cổ truyền, một khu danh thắng và di tích lâu đời của Thăng Long – Hà Nội. Hàng năm mở hội đền vào ngày 6 tháng 2 âm lịch để ghi nhớ ngày đón tượng từ sông lên. Lễ hội có rước kiệu Hai Bà và múa đèn. Đền được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá từ năm 1962.
Như Minh tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội