Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 14/03/2016 03:58
Long Biên và Hà Nội thời Trưng - Triệu

Nhiều nhà nghiên cứu xưa nay vẫn cho rằng Thăng Long – Hà Nội nằm trên đất huyện Long Biên thời thuộc Hán. Vì thế sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cầu sông Cái được khoác tên cầu Long Biên. Và từ lâu, cho đến tận cuốn “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” Lãng Bạc cứ được đồng nhất mãi với Tây Hồ. Vậy Hà Nội cổ thời Trưng - Triệu thuộc đất đai huyện nào của quận Giao Chỉ? Để lý giải điều này chúng ta hãy tìm hiểu qua sách vở xưa.

 
Trước đời Bà Trưng, quận Giao Chỉ - tức Bắc Bộ có 10 huyện, trong đó có huyện Long Biên. Theo Hán thư, Địa lý chí, huyện Luy Lâu đứng hàng đầu các huyện, tức là quận trị. Trung tâm là làng Dâu, nay thuộc Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh). Hai Bà Trưng từ Hát Môn, Mê Linh - miền Sơn Tây cũ và Vĩnh Phú – kéo quân qua huyện Tây Vu – trung tâm là Cổ Loa - nghỉ đêm, mộng thấy Mỵ Châu hiện về hối lỗi xưa và nguyện “âm phù” cuộc chiến đấu mới. Sau đó quân Hai Bà trảy xuống đánh đuổi Tô Định ở Luy Lâu. Lực lượng nhân dân Hà Nội tham gia cuộc trảy quân xướng nghĩa này, ngoài ông tổ lò vật Mai Động, có ba vị tướng ở Hải Bối, Đông Bảng ở Gia Lộc, ba vị tướng (Thuỷ Hải, Đông Giang, Khổng Chúng) ở Đại Vĩ (Đông Anh nay), vợ chồng Đào Kỳ ở Bắc Biên, Khoả Ba Sơn ở Xuân Đỗ Hạ, Quốc Nương ở Hoàng Xá, ông Đống ông Hựu ở Kim Hồ, ba anh em họ Đào ở Ngọc Động (Gia Lâm nay)… Vậy bắc Hà Nội, thời Bà Trưng là đất huyện Tây Vu.
 
Sau khi Trưng Vương tử tiết, năm 43, Mã Viện tâu lên vua Hán rằng huyện Tây Vu có 32.000 hộ (1/3 số hộ quận Giao Chỉ), biên giới cách xa huyện lỵ hàng nghìn dặm (gần 500km) nên xin chia làm ba: Tây Vu (thu nhỏ) – nay là huyện Tiên Sơn, Hà Bắc – Phong Khê – trung tâm là Cổ Loa – và Vọng Hải. Vậy bắc Hà Nội, sau thời Bà Trưng là đất huyện Phong Khê. Miền đất ấy trong thời Bà Triệu, nhà Ngô, năm 271 lập quận Vũ Bình với các huyện Phong Khê, Bình Đạo…
 
Khoảng năm 136, đời thứ sử Chu Xưởng nhà Đông Hán, quận trị Giao Chỉ, trung tâm châu thổ sông Hồng là Long Biên. Vị trí trung tâm ấy, Long Biên còn giữ mãi đến năm 607. Vậy, Long Biên ở đâu? Chắc chắn không phải là Hà Nội. Dưới đây là những viện dẫn trong sách xưa:
 
a. Sách Giao Châu ký viết: “Huyện Long Biên … phía tây có sông, có núi Tiên Sơn”.
 
b. Sách Nguyên Hoà quận huyện chí cũng viết: “Tiên Sơn… là cửa tây của Long Biên”. Tiên Sơn hay Tiên Tích Sơn, sách Thái bình hoàn vũ ký gọi là Phật Tích Sơn. Tức là núi Phật Tích, nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. Vậy thì Long Biên phải ở phía đông núi Phật tích đó, không thể là Hà Nội.
 
c. Từ miền huyện Mê Linh, quê Bà Trưng, có hai con sông chảy về phía đông qua huyện Long Biên. Theo Thuỷ kinh chú, hai con sông ấy là: sông thứ nhất – là sông Cà Lồ - “Chảy về phía đông bắc, qua phía nam huyện Vọng Hải (Yên Lãng, Vĩnh Phú) lại chảy về phía đông, qua phía bắc huyện Long Biên”; sông thứ hai – là sông Thiếp, hay còn gọi là Hoàng Giang, Ngũ Huyện Khê - chảy qua phía bắc huyện Phong Khê (Đông Anh) lại chảy về phía đông, qua Lãng Bạc, lại chảy về phía đông qua phía nam thành cũ huyện Long Biên.
 
Đối chiếu trên bản đồ, Lãng Bạc phải là miền Tiên Du cũ của Bắc Ninh, chứ không phải hồ Tây, Hà Nội. Và Long Biên – hay ít nhất là phần chính huyện này - phải là đất huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh) ngày nay.
 
Người ta hay nhầm lẫn Long Biên với Thăng Long chỉ là vì chung một chữ “long” Hà Nội làm gì có núi cao, thế mà Thuỷ kinh chú chép: “Sông Kinh (tức sông Cầu hay sông Phú Lương) phát xuất từ miền núi cao huyện Long Biên”. Ngoài Yên Phong, chắc chắn Long Biên còn bao gồm miền đồi núi cao dọc sông Cầu thuộc đất đai Hà Bắc và Thái Nguyên.
 
Như vậy đã rõ, từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, miền Hà Nội của chúng ta chưa phải là trung tâm của đất nước, của miền châu thổ sông Hồng. Thời vua Hùng, trung tâm là miền đồi núi xứ Đoài. Từ thời vua Thục, đến đầu thế kỷ VII, trung tâm là miền đất cao xứ Bắc. Lúc ấy, Hà Nội còn là một miền quê, còn là những xóm làng của những huyện phía nam trung tâm đất nước. Hà Nội chỉ chiếm vị trí trung tâm từ đầu thế kỷ VII trở đi.
 
Khánh Như tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)