Hồ Tây – nơi du ngoạn, di dưỡng của vua chúa và những nhà quyền quý
Thời Lý – Trần, Hoàng thành ở kế liền bờ hồ Tây thì hồ Tây là nơi du ngoạn nghỉ ngơi của những người có quyền thế giàu sang, cần giải trí, cần di dưỡng, cần vui chơi. Khi ấy, Thăng Long mới chỉ có một hồ Tây là nơi thừa lương của Kinh thành thôi.
Đầu thế kỷ XI triều Lý dời đô đến Thăng Long, bắt đầu từ đấy chung quanh hồ Tây mới có nhiều công trình xây dựng đẹp đẽ. Hồ thuở ấy có tên là Dâm Đàm, nghĩa là mặt nước thường có sương mù bao phủ, thấy xuất hiện tại những làng ven hồ nhiều ly cung, biệt điện của vương hầu công chúa, những tư thất của các đại thần trong triều. Một số hành cung đã đổi thành nơi thờ Phật của những công chúa phi tần khi tuổi già dốc tâm mộ đạo. Thời Lý Thánh Tông có hành cung ở trên đảo Cá Vàng gọi là cung Thuý Hoa, sau là chùa Trấn Quốc. Con gái Lý Nhân Tông là công chúa Từ Hoa có hành cung ở Nghi Tàm sau là chùa Đống Long. Phật giáo và Đạo giáo cùng thịnh ở đời Lý và Trần: đền Trấn Vũ cũng gọi là quán Trấn Vũ, là nơi tu luyện của các đạo sĩ.
Những di tích từ đời Lý - Trần đó nay không còn tồn tại được mấy, hoặc có còn thì cũng đã hư hỏng hoặc bị tu sửa dưới thời Hậu Lê, không giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Sử sách ghi chép cũng không thấy còn lại nhiều.
Cuối thời Hồ (đầu thế kỷ XV) giặc Minh chiếm đóng Thăng Long – khi ấy đã đổi tên là Đông Đô – hơn hai mươi năm. Rồi Lê Lợi quét sạch được bóng quân thù, xây dựng lại đất nước, Thăng Long được phục hồi nhanh chóng. Trong thời Lê sơ, hồ Tây vẫn giữ được địa vị cũ là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi chính của Kinh thành. Song cảnh sinh hoạt cố giữ được thanh cao và cần cù đã đậm màu trần tục xa hoa đồi truỵ của đám người quyền quý. Lê Tương Dực (1509-1516), ông vua Lợn, ngoài những công trình xây dựng to lớn trong Hoàng thành như Cửu Trùng Đài do Vũ Như Tô làm đốc công, còn sai sửa sang hành cung Dâm Đàm làm chỗ nghỉ mát. Sử sách còn chép cảnh bơi thuyền dưới trăng của Tương Dực. Y bắt các cung nữ trút bỏ váy áo, ở trần để phục vụ và chèo thuyền giả làm tiên nữ trong cảnh mê ly nào đó (Đại Việt sử ký).
Sang thời Mạc, vua Mậu Hợp dựng thêm cung điện nghỉ mát ở Quảng Bá: việc hưng công viện Nghinh Xuân đã bắt hàng ngàn lao động phục dịch chuyên chở gỗ đá, nung gạch ngói, làm đến hàng năm mới xong. Chiến tranh Trịnh - Mạc, hai phen Thăng Long là bãi chiến trường, lâu đài cung điện của họ Mạc bị phá huỷ chẳng còn gì.
Đến thời vua Lê chúa Trịnh, vua Lê chỉ có hư vị, triều đình mất đại vị độc tôn thì Hoàng thành cũng trở thành tiêu điều. Mọi người quay sang xu phụ xung quanh phủ Liêu. Phủ chúa Trịnh xây dựng ở phía đông nam Thăng Long gần hồ Gươm; nơi đó trở nên sầm uất và bắt đầu có nguyệt đài, thuỷ tạ, lầu các để chúa Trịnh ngự chơi. Khu vực hồ Tây trở nên xa lánh.
Xa lánh nhưng vẫn là nơi để rong chơi thứ hai, gọi là Bắc cung. Phạm Đình Hổ viết trong Vũ trung tuỳ bút, Nguyễn Án viết trong Tang thương ngẫu lục, cũng kể chuyện chơi trăng rằm tháng tám của chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm năm Giáp Ngọ (1774): “Sắp đến tết Trung thu, chúa sai xuất gấm trong kho làm đèn lồng hàng trăm chiếc, giá đến mấy chục lạng vàng. Ngày hôm đó, chúa ngự lên ly cung Thuỵ Liên trên bờ Tây Hồ, binh lính hầu chung quanh vòng bốn mặt. Dưới là hồ sen, trên bờ trồng phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hoặc ẩn ở bóng cây bến đá nào đó, tấu nhạc. Bọn nội giám đầu bịt khăn mặc giả đàn bà, bày bán các thứ hoa quả bánh trái bách hoá ở trên bờ hồ. Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tuỳ ý ghé vào bờ mua bán như các cửa hàng mua bán trong chợ… (trích trong Tang thương ngẫu lục và Vũ trung tuỳ bút).
Những chuyện về hồ Tây không phải chỉ có cảnh di dưỡng tinh thần cuộc sống tu hành, con người trở về với thiên niên, hoặc trái lại, những buổi hoan lạc mượn chốn thần tiên, hồ Tây còn để lại những chuyện bi đát của những nạn nhân của chế độ phong kiến. Ở bên bờ hồ Trúc Bạch, tại thôn Trúc Yên, tương truyền có toà ly cung gọi là Trúc Tâm viện. Chỗ đó là nơi giam hãm những cung nhân bị thất sủng, họ bị đưa ra đây ở, phải tự lao động để sinh sống bằng đôi bàn tay chăn tằm dệt lụa chờ ngày được tha về với gia đình. Viện Trúc Tâm đã để lại tên cho hồ Trúc Bạch. Ly cung Trúc Yên có từ thời chúa Trịnh Giang (1729-1740), ban đầu cũng là nơi nghỉ mát, về sau ít dùng đến và biến thành “lãnh cung”.
Hồ Tây đến sau này mãi mãi vẫn là một nơi cư ngụ lý tưởng. Ngày xưa Lãn Ông ra kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh đồng thời chữa cho các quan đại thần, một số có nhà ở ven hồ Tây. Đến thời Pháp thuộc, nhiều nhà giàu có, cả Tây lẫn ta tậu đất xây villa ở Nghi Tàm - Quảng Bá làm chỗ tránh nắng mùa hè. Người ta xây một biệt thự lớn ở làng Tây Hồ, gọi là nhà nghỉ mát Bảo Đại và một khu nhà ở thôn Vệ Hồ gọi là nhà tắm ông Bảy (Toàn quyền), để đón tiếp những khách khứa chức trọng quyền cao. Đầu đường Cổ Ngư, có nhà hóng mát giải trí của Hội Bơi lội Pháp.
Khi đến thời Dân chủ cộng hoà, nhà nước đã có lần đưa ra quy hoạch vùng hồ Tây thành một công viên lớn nhưng sau lại thôi. Tuy nhiên ở ven hồ vẫn còn nhiều công trình xây dựng với mục đích nghỉ ngơi di dưỡng cho cán bộ miền Nam, nhà nghỉ của Công đoàn, khách sạn Thắng Lợi… Những nơi dành cho khách đặc biệt và khách quốc tế, dành cho những người nhiều tiền có ngoại tệ, còn dân chúng đi ngang qua thì đứng trên đê mà ngắm.
Hồ Tây còn là nơi có nhiều chỗ thuận tiện cho người Hà Nội yêu thích thể dục thể thao dưới nước. Đầu đường Cổ Ngư có nhà thuyền buồm, thuyền bơi sải, ván lướt sóng. Ở Quảng Bá có một bể bơi khá rộng, là nơi gặp gỡ của nam nữ thanh niên bơi lội của Hà Nội. Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc.
Quỳnh Như tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội