Cầu Thăng Long – Công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt – Xô
Do nhu cầu giao thông cấp bách của Hà Nội mà việc xây dựng thêm một cầu trên sông Hồng đã được dự kiến từ rất lâu. Thời Pháp thuộc có một dự án bắc một cầu qua sông ở đầu phố Gambetta sang đến Phú Viên của Gia Lâm. Sau ngày độc lập, hoàn cảnh chiến tranh liên miên suốt ba mươi năm làm ta không có điều kiện xây dựng lớn. Năm 1972 mới có quyết định xây cầu Thăng Long, có sự viện trợ của Trung Quốc. Cầu Thăng Long khởi công ngày 26 tháng 11/1974. Thời kỳ đầu Trung Quốc giúp ta xây dựng nhưng mới được khoảng hai mươi phần trăm khối lượng công trình thì ngừng lại. Đến cuối năm 1978, Liên Xô giúp ta xây dựng tiếp cho đến khi hoàn thành. Cầu Thăng Long được xây dựng nhằm tăng thêm khả năng kết nối của Hà Nội sang bên kia sông Hồng vốn chỉ có mỗi cầu Long Biên đã quá tải.
Cầu Thăng Long được dựng ở ngang hai làng Đông Ngạc và Võng La, chỗ có khúc sông hẹp lòng nhất. Cầu gồm phần cầu chính qua sông dài 1.688m; cầu có hai tầng: tầng dưới rộng 17m, giữa có hai đường sắt song song khổ 1,435m và khổ 1m và hai đường xe thô sơ hai bên cầu, mỗi đường rộng 3,5m; tầng trên rộng 19,5m là đường dành cho xe ô tô, (rộng 16,5m đủ cho bốn làn xe chạy tốc độ cao), và hai bên là lối đi của người đi bộ (mỗi bên rộng 1,5m). Cầu chính có 15 nhịp đặt trên 14 trụ và hai mố cao 14m; phần cầu dẫn ở hai bên bờ bắc và bờ nam cho xe lửa và xe ô tô riêng rẽ nhau. Kể cả phần cầu dẫn trên hai bờ thì đường cho xe lửa dài 5.503m; đường cho xe ô tô dài 3.200m; cho xe thô sơ và người đi bộ dài 2.650m.
Đường nối với cầu Thăng Long ở phía bắc, xe lửa từ ga Đông Anh, qua ga Bắc Hồng được làm trước để chuyển vận vật liệu đến ga Kim Mỗ. Ở phía nam, đường dài 30 cây số qua các địa điểm: Cổ Nhuế - Phú Diễn – Ba La Bông Đỏ - Cự Đà - Ngọc Hồi rồi nhập vào đường sắt dọc Quốc lộ 1. Sẽ có các nhà ga Phú Diễn – Hà Đông (Văn La) - Ngọc Hồi (Việt Hưng). Đường sắt hai bên đầu cầu và các ga đều đặt ray khổ 1,435m và 1m.
Đường bộ bên bờ bắc dài 6 cây số, bên bờ nam 4 cây số (nối với đường đê sông Hồng, đường 11A và đường 6A). Đường nền rộng 26m cho hai làn xe ô tô chạy hai chiều và hai lối dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Suốt dọc đường mới làm phải bắc năm cầu sắt loại trung ở Cổ Nhuế - Cầu Ngà – La Khê - Cầu Đơ (Hà Đông) và Cự Đà.
Việc thi công cầu Thăng Long do Xí nghiệp Liên hiệp Thăng Long làm (gồm bốn xí nghiệp cầu, một xí nghiệp cơ giới). Lực lượng cán bộ công nhân viên lúc đầu là 1.600 người, sau tăng lên đến 8.300 người. Liên Xô giúp ta đào tạo công nhân kỹ thuật, như thợ lặn sâu 50m, phun sơn, hàn tự động, kiểm tra hàn…
Trong quá trình xây dựng cầu Thăng Long đã hình thành ở Đông Ngạc một khu công nghiệp giao thông quan trọng: có nhà máy đúc các loại cấu kiện bê tông cầu đường, tà vẹt đường sắt, có cơ sở gia công các loại dầm thép; có hệ thống trạm thí nghiệm vật liệu xây dựng, thí nghiệm hàn điện… Xí nghiệp có gần 5.000 công nhân kỹ thuật của gần 100 nghề, và trên 340 kỹ sư, 450 trung cấp kỹ thuật.
Ba chục năm trôi qua, cầu góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu Thăng Long - một biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô - được khánh thành vào ngày 9/5/1985, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít. Tuy nhiên, thời gian này cầu Thăng Long đã không phát huy được ưu thế của nó. Lý do là đường dẫn lên cầu lúc đó quá chật hẹp, có đoạn chỉ khoảng 3,5 mét, ô tô tránh nhau không đơn giản, đường thì xấu thành ra người ở ngoại thành cứ thẳng đường Yên Viên, qua Đông Anh rồi về cầu Long Biên, tới Hà Nội. Mặt khác, thời đó xe máy không có nhiều, phương tiện lưu thông chủ yếu bằng xe đạp. Mà đi xe đạp lên cầu Thăng Long thì chỉ có cách là dắt bộ vì cầu cao và dốc, lại dài hàng km, do vậy qua sông thì đi phà Chèm tiện hơn.
Và năm tháng qua đi, nhiều cây cầu mới khác được xây dựng vượt qua sông Hồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cầu Thăng Long vẫn có một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị nối liền thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Ngọc Như tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội