Hà Nội xưa có phố Hàng Kèn
Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn thì phố Hàng Kèn là một đường phố được mở khá sớm từ đầu thế kỷ XX theo quy hoạch mở mang của Thành phố. Còn tên Hàng Kèn là do nơi đây xa trung tâm thành phố, nhà binh thường đưa lính đến bãi cỏ bên hồ tập thổi kèn đồng, dân ta nghe quen tai nên đã gọi thành tên phố.
Thời Pháp thuộc, con phố này là một phố Tây và được đặt tên là Đại lộ Jauréguiberry, mặt đường rộng, có hai hàng cây cao bóng mát, cây me quả và sấu, ban ngày thưa người đi lại vì bên dưới là khu vực hồ ao đồng lầy. Phố này thuộc thôn Hồi Mỹ, gần đoạn đường dốc có một cây thị cổ thụ, nên thành tên Dốc Hàng Kèn cây thị, nay là đoạn phố Trần Quốc Toản. Hình thành tên phố vốn là nơi lính tập thổi kèn đồng nhưng cũng từ con phố này đã lập một phường kèn trống bát âm chuyên phục vụ các đám rước thần và đám ma. Khi chính quyền thực dân Pháp cướp đất đã đuổi các xóm thôn ở phía nam kinh thành để lập phố mới: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… nên những người cho thuê đòn đám ma, rồi phường bát âm đều dọn lên Hàng Lược để tiện cho các gia đình có đám đến thuê.
Những năm 1929 - 1930, phố này thông đường đến chỗ có ngôi trường tiểu học có tên Trường Hàng Kèn, ở ngay trên bờ hồ Liên Thuỷ khi ấy chưa được san lấp. Sau Cách mạng tháng Tám, phố Jauréguiberry được đổi tên là phố Quang Trung.
Mặc dù tên không còn nữa nhưng nhiều người có tuổi của Hà Nội vẫn biết đến lịch sử con phố Quang Trung ngày nay vốn là nơi tồn tại phường bát âm, là phố lính tập thổi kèn đồng xưa mà thành phố Hàng Kèn.
Linh Chi
Nhà xuất bản Hà Nội