Hà Nội xưa có phố Hàng Sơn
Thợ thủ công dùng loại sơn sống là chất nhựa chích từ vỏ một loại cây tên cây sơn để quét lên bề mặt đồ dùng, tạo nên những sản phẩm khác nhau. Ở Việt Nam loại cây này được trồng nhiều trên đất đồi trung du Bắc bộ, vậy nên trong ngõ Hàng Sơn thuở mới hình thành có độ dăm bảy ngôi nhà đều chuyên nghề buôn sơn sống đưa từ mạn Phú Thọ về. Trong sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, thuở sơ khai mới hình thành phố, Hàng Sơn là một ngõ hẹp, trước năm 1910 đường phố đó chỉ là lối đi vừa một chiếc xe tay, bên cạnh đầu ngõ lại là một cái cống nhỏ choán cả lối vào ra, vậy nên con phố này xếp vào loại phố xép. Ngay cả sau khi mở mang rồi, phố Hàng Sơn có chiều dài cũng chỉ chừng 200m. Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, đoạn phố từ ngã năm Hàng Mã – Hàng Lược đến ngã tư Hàng Cá hai bên mặt đường đi chỉ là tường bên và cổng hậu của những nhà quay mặt ra mấy phố Hàng Mã, Hàng Cá và Hàng Đường. Qua ngã tư Hàng Cá, một bên dãy nhà số chẵn, mặt phố vẫn được giữ nguyên, nhà cửa đều cũ kỹ, kiểu cổ, diện tích hẹp, nền cao, gác thấp, cửa ván gỗ, làm đã từ lâu đời; một bên, phía bên trái, dãy số lẻ, là mặt phố được xây lại sau khi mở rộng mặt đường đi, xén lấn vào phía sau Hàng Đường nên có những ngôi nhà mới làm, cao hai ba tầng, kiểu hiện đại.
Mặc dù không phải là một con phố lớn, sầm uất nhưng tên phố Hàng Sơn đã gắn bó với người dân cư ngụ nơi đây trong nhiều năm cho tới khi trong ngõ có một người họ Đoàn có tài làm món đặc sản là chả cá nướng và cũng sau năm 1945 trong phố không còn gia đình nào làm nghề buôn bán sơn nữa, mà người ta chỉ tìm đến đây ăn chả cá nên tên phố ban đầu mất đi mà thay bằng tên phố Chả Cá tồn tại cho đến nay.
Ly Đàm
Nhà xuất bản Hà Nội