Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 28/03/2016 05:19
Tập La Thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm

La Thành cổ tích vịnh gồm hai mươi lăm bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán, vịnh hai mươi lăm di tích, thắng cảnh Thăng Long của tác giả Trần Bá Lãm (1758 - 1815), đỗ tiến sĩ khoa 1733, làm quan đến chức Hàn Lâm Viện đãi chế.

 
Hai mươi lăm bài thơ này được Trần Bá Lãm viết ra nhân một chuyến tới kinh thành Thăng Long ba tháng để thực thi công vụ. Tranh thủ những khắc giờ rảnh rỗi, đôi chân bộ hành của mặc khách nhàn du đã đưa ông đến mọi sông hồ, chùa quán đẹp của đất đô thành, để thu lấy những bóng dáng, những dư vang của nghìn xưa vẫn còn phảng phất, thấp thoáng đâu đây trong lúc bấy giờ. Nhã thú ngâm vịnh của ông hướng cả về La Thành, nhưng là một La Thành của cổ tích, nơi còn in những dấu xưa. Đó chính là đình đền chùa, núi non, hồ đầm với những nhân vật liên quan, hiện diện từ rất lâu đời ở đất đế đô. Vì thế nên tràn ngập trên những dòng chữ mới viết ra là một tấm lòng khắc khoải, bâng khuâng tìm về thời cố cựu. Như thế, La Thành cổ tích vịnh chính là những dòng cảm xúc trong lòng một ông Nghè quê Hà Nội về một Hà Nội xưa. Tình yêu đất nước quê hương cùng thói quen tìm tòi của một trí thức ham hiểu biết đã khiến ông có những phát hiện mới lạ về “cái cũ” của nhiều danh thắng Thăng Long và điều đó cũng góp phần làm nên cái hay của không ít bài thơ trong La Thành cổ tích vịnh. Nhờ Trần Bá Lãm mà ta biết được vua Lê Thánh Tông đã từng dựng đài câu ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, thả vào đấy hàng chục cá đuôi rồng, mỗi đuôi đều chọc lỗ thủng rồi đeo vòng vàng vào. Thế là bài Vịnh Tả Vọng hồ (Vịnh hồ Hoàn Kiếm) bỗng mang một hình ảnh đẹp lạ lùng:
 
Kiếm quang dĩ cộng kim quang thệ
Thời kiến kim ngư hí bích đàm.
(Ánh kiếm đã hòa chung với ánh vàng
Chỉ thấy cá vàng đùa giỡn cùng hồ biếc).
 
Những ý tứ và hình ảnh đẹp, mới mẻ, có khả năng gây hứng thú cho người đọc như trên ta đều có thể tìm được trong phần lớn các bài thơ của La Thành cổ tích: dòng chữ đỏ thắm trên thần tích bằng đồng lá đặt ở chùa Láng (Vịnh Yên Lãng tự); khách giang hồ trên chiếc thuyền chài lênh đênh giữa Hồ Tây (Vịnh Tây Hồ); đôi hạc ở núi Nùng theo mây bay không biết về đâu (Vịnh Nùng Sơn); cô gái đẹp e ấp nấp bên hoa trong cảnh chùa Ngọc Hồ (Vịnh Ngọc Hồ tự); phiến đá luyện đan ở quán Huyền Thiên (Vịnh Huyền Thiên quán)…
 
Hai mươi lăm bài thơ trong La Thành cổ tích vịnh tất nhiên không phải là tất cả những gì tiên sinh Trần Bá Lãm nghe, đọc, nhìn và nghĩ về vùng đất Long Thành. Nhưng chừng ấy bài thơ cũng đã cho ta thấy tấm lòng và cốt cách của ông. Niềm mê say di tích cổ của ông rõ ràng đã song hành với sự sung kính những người anh hùng có công chống ngoại xâm (Nhị Trưng nữ vương, Bố Cái đại vương, Lý Thánh Tông, Lê Thái Tổ, Lê Lai…), các tấm gương thương dân, tiết liệt (Uy Linh Lang, Huyền Thiên Trấn Vũ, vợ chồng Nguyễn Phục, người tiết phụ được thờ ở phong đài…), những biểu tượng về truyền thống văn hóa của người Việt (Quốc Tử Giám, đền Bạch Mã, chùa Yên Lãng, đền Đồng Cổ, miếu Trung Liệt, tháp Báo Thiên…), những phong cảnh đẹp tiêu biểu của Thăng Long (hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, chùa Một Cột, núi Nùng, núi Khán…) trong ông.
 
Bên cạnh đó hai mươi lăm bài thơ của Trần Bá Lãm còn mang giá trị quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử văn hóa Thăng Long bởi phần Tiểu dẫn đặt ở phần đầu của mỗi bài thơ. Ở phần này tác giả đã dẫn giải thuyết minh, giúp người đọc hiểu cặn kẽ về lịch sử, nguồn cội, biến thiên của từng di tích, những dẫn giải này quả là những tư liệu mới mẻ, đáng tin cậy trong việc nghiên cứu Thăng Long cổ xưa mà không phải ai cũng biết.
 
 
Trần Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)