Ngô Gia văn phái – Gia tộc tài đức vẹn toàn
Trong thời kỳ thơ mới có nhóm tác giả, những cây bút tài hoa của Tự Lực Văn Đoàn thì ở thời kỳ trung đại trước đó, trên văn đàn Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX có một hiện tượng văn học mới là Ngô gia văn phái – thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện thời bấy giờ. Có thể hiểu đơn giản rằng, Ngô văn gia phái là gia tộc họ Ngô chuyên theo nghiệp văn chương. Khác với gia tộc Nguyễn Thị đương thời bấy giờ thì Nguyễn Thị gia tàng bước đầu mới chỉ thu thập các tác phẩm để cất giữ; gia tộc Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, phía Nam kinh thành Thăng Long xưa đã sớm ý thức và định hình tập hợp thành chuỗi các tác phẩm văn học do các thành viên trong dòng tộc sáng tác, coi đó đã là những gia sản của dòng tộc. Thế hệ con cháu nối tiếp tâm huyết và truyền thống của dòng họ Ngô Thì đã luôn tìm kiếm, hội tụ và sắp xếp các tác phẩm theo văn loại, thời gian lịch sử và vị thứ xã hội của tác giả sáng tác chúng, tạo nên một hệ thống gia phả bằng các tác phẩm văn học đặc sắc, không lẫn trong kho tàng văn chương dân tộc.
Theo dòng chảy của lịch sử, các vương triều cai quản triều chính luôn luôn có sự hưng suy, các quan thần luôn tìm kiếm và xác định, nâng cao vị thế của bản thân trong việc chính sự, thời cuộc. Suốt hai thế kỉ với nhiều sự biến thiên của thời đại, dòng họ Ngô thì vẫn tồn tại và lưu truyền, phát huy những giá trị tinh hoa của dòng tộc. Mở đầu cho sự “di truyền” về một nếp sống văn hóa, một tình yêu với thiên nhiên, hội tụ tố chất thi sĩ, không quan tâm về vấn đề chính sự quốc gia, muốn tâm hồn thảnh thơi với hiện tại là Ngô Thì Ức (tức Tuyết Trai công):
“Bên sông Nhuệ có chàng tiêu dao,
Suốt ngày tiêu dao chẳng để ý việc gì.
Ở yên, sống bằng sức mình,
Không phiền phức, không áy náy cũng không lo âu…” (Trích Tiêu dao ngâm).
Sự ảnh hưởng của ông tới các con, các cháu rất sâu sắc. Cháu nội là Ngô Thì Trí cũng có thú vui lui về cố hương, mở thơ quán tại quê nhà hay như con trai Tuyết Trai công là Ngô Thì Sĩ (Đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất năm 1766) dù có làm chức Đốc trấn (tương đương với Chủ tịch tỉnh như bây giờ) vẫn luôn ưu ái dành cho bản thân những khoảnh khắc tao nhã trong ngày để làm bạn với những vần thơ, giao lưu và chia sẻ văn thơ của mình cho những người bạn đời thường, những người dân yêu thích văn thơ. Sự không màng danh vọng, thích thú những điều giản đơn trong đời sống hàng ngày được thể hiện qua những câu thơ khiêm tốn của Ngô Thì Trí trong Bài phú Sơn Hải kính:
“Cầm kỳ thi họa, tuy biết qua loa, nhưng chí không hâm mộ,
Gần đây lại thích ở nơi hẻo lánh, ít ai nhòm nhó.
Trồng cỏ hoa, xây bể cạn, chất non bộ,
Để làm nơi thưởng ngoạn và đặt tên “Sơn Hải kính” cho nó.”
Dù các thành viên của Ngô gia không chỉ kế thừa và tạo lập thành dòng tộc có tài năng văn học thiên phú mà họ còn là những tấm gương sáng về phẩm chất và học vấn. Họ không chỉ giữ riêng cho mình những nét tinh hoa đó mà họ còn kế tụng, truyền dạy lại cho con cháu và cả các học trò khác tìm đến Ngô gia. Văn nghiệp họ ngô khởi phát từ thời Đan Nhạc công Ngô Trân – cha của Tuyết Trai công Ngô Thì Ức, ông nội của Ngô Thì Sĩ, người mà Ngô Thì Nhậm (Tiến sĩ khoa Ất Mùi năm 1775) gọi là cụ nội. Các thế hệ con cháu đều trải qua sự uốn nắn, chỉ dạy của ông từ tấm bé, từng nét chữ đến ý chí tiến thủ sau này. Trường học Ngô gia là một trong những cái nôi đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước, góp phần nâng cao dân trí trong vùng. Chỉ tính riêng dưới triều Lê (1427 – 1786), làng Tó có đến 11 vị Tiến sĩ, danh vị vinh dự khi có tên trên bảng vàng bia đá thời bấy giờ thì 10 người trong số đó là thuộc về dòng họ Ngô Thì. Chẳng thế mà trong Tựa gia phả của mình, Ngô Thì Sĩ vừa tự hào vừa dí dỏm tếu đôi lời: “Họ Ngô một bồ Tiến sĩ”.
Quả không sai khi nói Ngô văn gia phái là một gia tộc tài đức vẹn toàn. Cái tài thì đã được hiện hữu bằng những công danh thành đạt của các thành viên đỗ đạt của dòng họ được khắc bia đá lưu lại muôn đời mà sự đức độ cũng được toát ra bằng những việc làm hữu ích. Dòng họ Ngô Thì được người dân trong vùng nể trọng và kính yêu vì chính những đóng góp của họ cho quê hương, cho vùng đất mà họ sinh sống và làm việc. Theo tuyển tập Ngô văn gia phái Tập 1 có đề cập đến Tiến sĩ đỗ khoa Tân Sửu năm 1721, Ngô Đình Chất, tước Phương quận công đạt tới chức vị trí sĩ, Binh bộ Thượng thư là người có ảnh hưởng thiết thực nhất tới các thế sau này của Ngô gia cũng như xóm làng. “Ông giúp dân làm đường, bắc cầu, đặc biệt là bỏ tiền riêng mua một khu đất mở chợ, biến đổi một ngôi chợ cóc rìa thôn Tó chật hẹp thành một khu kẻ chợ rộng chừng hơn một mẫu, trên bến dưới thuyền.” Công đức của ông không chỉ có vậy, mà theo Ngô Thì Sĩ, Phương quận công không chỉ mở một cái chợ mà còn xây dựng một khu dân cư phong quang, thuần mỹ. Nhân đức đại cát vô lượng đó của Phương quận công đã ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ cháu chắt sau này của Ngô gia và nhất là với Ngô Thì Nhậm khiến ông luôn chú trọng kết hợp cả văn hóa, kinh tế hài hòa. Ngôi đình làng Tự Mục là kết tinh của sự kết hợp đó của Ngô Thì Nhậm, đình Tự Mục lưu lại lịch sử của làng là nơi ông gửi gắm mong muốn của mình cho nhân dân là một làng lễ nghĩa, sống trong một xóm lễ nghĩa thì con cháu phải nối tiếp ông cha, luôn nhường nhịn lấy nhân làm đức, luôn giúp nhau, trợ nhau, đỡ đần nhau.
Tìm hiểu về gia tộc Ngô Thì khiến tôi liên hệ ngay với cuộc sống ngày nay, Việt Nam vẫn luôn còn đó những gia đình làm rạng danh dòng tộc nhờ việc giữ gìn, phát huy truyền thống tài năng của họ từ thế hệ này qua thế hệ khác, giúp ích cho xã hội, cho đất nước. Tiêu biểu nhất là đại gia đình cố Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Mỗi người con, người cháu của ông: từ con trai, con gái đến con dâu, con rể và ngay cả cháu nội, cháu ngoại đều là các phó Giáo sư, Giáo sư và Tiến sĩ hàng đầu về nghề y, nghề giáo – những nghề cao quý của xã hội, được xã hội trân quý, nể trọng. Trong đại gia đình đó, người đi trước dìu dắt những người theo sau không chỉ về chuyên môn mà còn về đạo đức, nhân cách, lối sống, họ đã tạo nên hình tượng một đại gia đình tiêu biểu cho sự hiếu học, tài năng và đức độ của người Việt Nam qua muôn đời vẫn không phai nhạt.
Mộc Miên
Nhà xuất bản Hà Nội