Tìm mạch ngầm dân tộc từ những chiếc giếng ở Hoàng Cung
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi cũng ở một địa danh đặc biệt, đó là tại lễ dâng hương khai xuân Bính Thân, tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền và tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội. Lê Bích nói: bất cứ chiếc giếng nào cũng có nguồn gốc của nó, và giếng trong Hoàng Cung thì còn chứa đựng nhiều những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt mà những người yêu mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến không thể bỏ qua.
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử từ thời tiền Thăng Long qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê, và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Năm 2013, các nhà khoa học đã có những khám phá quan trọng dưới lòng đất khu vực phía tây trục trung tâm Cấm Thành tại số 18 Hoàng Diệu. Một quần thể di tích kiến trúc phong phú, đa dạng, cùng hàng triệu di vật thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau được phát hiện, trong đó có tới 26 giếng nước cổ có niên đại từ thời Đường (khi đó nước ta còn trong thời kỳ Bắc thuộc), thời Lý, thời Trần, thời Lê, Lê muộn và Nguyễn sớm. Tất cả những giếng nước này chỉ nằm trên diện tích đất chừng 3,3ha, tức là chưa bằng một phần diện tích của một làng trung bình.
Sở dĩ các giếng trong Hoàng Cung được định niên đại rõ ràng như vậy là bởi dấu tích của chúng để lại trong lòng đất. Theo đó, mỗi thời kỳ khác nhau lại có những nguyên vật liệu cũng như kiến trúc, kỹ thuật xây dựng giếng khác nhau, ghi dấu ấn đặc trưng của thời đại. Thường thì kỹ thuật của thời sau tiên tiến hơn ở thời trước, hoặc đôi khi lại là sự khác biệt trong thẩm mỹ trang trí trên gạch của mỗi thời. Một điều đặc biệt nữa là một vài giếng còn được các thời kỳ sau cải tạo và tiếp tục sử dụng. Có thể dẫn ra như một giếng cổ từ thời Đại La được xây thêm một hàng gạch thời Lý hình chữ nhật, màu đỏ, xếp nghiêng, cùng với đó, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy trong lòng giếng rất nhiều những cổ vật như bình, vò, sành và những mảnh đất nung hình lá đề trang trí chim phượng đặc trưng của thời Lý. Điều này cho thấy, Hoàng Cung luôn có một vị trí ổn định qua các thời, mà thời nào cũng cần có nguồn nước ổn định để phục vụ đời sống của cung đình.
Chiếc giếng cổ nhất hiện nay được tìm thấy có niên đại từ thời Đại La. Giếng sâu tới 5,9m, bị đất đá lấp nên các nhà khảo cổ học đã phải mất rất nhiều tuần mới khơi lại được. Kỳ lạ thay, sau đó, nước giếng lại về đầy và trong vắt. Thậm chí là ở nhiều giếng khác sau khi phát lộ, nước cũng lại về đầy ăm ắp. Điều này cho thấy khả năng “trắc địa” của người xưa thật tài tình. Trước điềm lạ đó, nhiều người đã xin nước giếng về đặt lên bàn thờ và coi đó là sinh khí của Hoàng Cung với ước vọng mọi thành viên trong gia đình luôn được mát mẻ, khỏe mạnh.
Xưa nay người đời thường quan niệm, việc xây giếng là việc khá hệ trọng và mang nhiều nét tâm linh. Bởi khi động thổ đào giếng có thể chạm vào long mạch, nhất là lại đào giếng ở trong Hoàng Cung. Vậy tại sao Hoàng Cung lại có nhiều giếng như vậy? Và nhiều luồng ý kiến đưa ra những nghi vấn: liệu đây có phải là đất của Hoàng Cung hay không?
Tìm lại lịch sử, trong cuốn “Việt sử lược” do Trần Quốc Vượng dịch, có một vài dòng ghi chép về giếng đã chứng minh sự tồn tại của giếng ở nơi tôn nghiêm này. Theo đó, vào đời vua Lý Huệ Tông, năm Tân Tỵ (tức năm 1211 dương lịch), trong triều có biến, một đêm, “Thái Hậu đã bắt Nhân Quốc Vương và hai Vương Tử rồi dìm xuống cái giếng trong khu nhà của Vua. Sau đó vớt lên và phơi thây ở ngoài cửa cung Lâm Quang…”. Tiếc thay, tư liệu ghi chép này lại nói đến một chuyện buồn của triều đại, cũng chẳng biết trong những chiếc giếng được tìm thấy hôm nay, có chiếc nào liên quan đến sự kiện bi thảm của người thời xưa hay không? Nhưng qua câu chuyện bi thương ấy được chép trong chính sử một lần nữa khẳng định sự hiện diện của những chiếc giếng nơi đất vua - Hoàng Cung.
Chuyện xưa đã qua đi, và rồi người ta cũng chẳng biết, nhưng có một điều chắc chắn rằng, giếng làng nói chung và giếng Vua nói riêng là nơi xếp lớp các trầm tích văn hóa, là chứng nhân của thời đại. Giếng tượng trưng cho nguồn nước, cho sự sinh sôi nảy nở, phồn thực. Vì thế, bên giếng còn là những câu chuyện, những nguyện ước, những hỉ, nộ, ái, ố của một thời đại, và là mạch ngầm văn hóa của người Việt nhiều đời.
Như Yến
Nhà xuất bản Hà Nội