Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 09:11
Cốt cách người Tràng An

Cũng giống với các nơi khác, Thăng Long xưa và nay là nơi hội tụ của tứ dân “sĩ – nông – công – thương”. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu khai sinh ra mảnh đất văn hiến này, bản chất thị dân đã bộc lộ rất rõ nét trong mỗi con người Thăng Long.

 
“Người ở đô thị, thì là thị dân” – hẳn là trong số các bạn sẽ có người cười về cái lẽ đương nhiên mà tôi lại đem viết ra đây như một điều lạ. Mà kể cũng lạ thật, chẳng hiểu căn nguyên nào mà dân ở những vùng đô thị khác lại không được gắn với hai chữ “Thanh lịch” như người Tràng An?
 
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
 
Chẳng phải tự dưng mà người Thăng Long họ lại được người đời ca tụng như vậy. Mà điều đó phải được xem xét ở cái căn cốt của họ, rằng họ đã, đang, sẽ, cần và nên là người thị dân văn minh, thanh lịch như thế nào. Ta cũng có thể gọi đất Thăng Long là một miền thanh lịch, bởi con người nơi đây họ vừa Thanh - thanh cao, tươi tắn, dịu hiền; lại vừa Lịch – khéo léo, khuôn phép, hiểu biết, cởi mở... Tràng An là đất thanh lịch nhưng cũng không xa lạ mấy so với nông thôn. Trong lịch sử, sự hòa đồng giữa nông thôn và thành thị là một nét đặc trưng nổi bật của Thăng Long truyền thống. Ẩm thực hay y phục Thăng Long xưa kia không khác gì so với các miền trong cả nước. Đàn ông vẫn khăn lượt áo dài hay sang hơn là hoa hòe, gấm vóc. Đàn bà vẫn như các câu trong ca dao: khuyên vàng, xà tích, áo mớ bẩy mớ ba. Những người lao động vẫn quần nâu áo vải. Tất cả họ vẫn quen với mắm muối, dưa cà như ở nông thôn, có chăng là rau quả dồi dào hơn và cách bày biện lịch sự hơn.
 
Hà Nội giống như bờ cát mịn trước mênh mông sóng nước nông thôn, nên không tránh khỏi những lớp sóng nông thôn vào mọi mặt đời sống. Những làn sóng ấy góp thêm vị mặn mòi cho cát trắng, mang đến hơi thở mới, diện mạo mới đầy sắc màu cho vùng đất kinh kỳ. Dường như, nó giúp Thăng Long cân bằng sinh thái và bộc lộ rõ nét hơn văn hóa truyền thống của con người nơi đây, góp phần nâng cao đời sống và phát triển đô thị. Sự gắn kết giữa cư dân tứ chiếng với cư dân đô thị Thăng Long trong cùng một cộng đồng xã hội góp phần làm hài hòa những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ thị dân và xóa mờ đi sự phân tầng xã hội trong cộng đồng đó. Thế nhưng, nó cũng mang đến không ít những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng tiêu cực đến đặc trưng vốn có trong tâm thức của thị dân Thăng Long – Hà Nội. Một thực tế đau lòng là cái thanh lịch được người Thăng Long ngàn năm gây dựng cũng đang bị nhào nặn cùng với những thứ hỗn tạp, phi văn minh của tứ xứ ùn về.
 
Về mặt ý thức, thị dân Thăng Long – Hà Nội xưa cũng giống bao thị dân các vùng khác trong cả nước, họ có tinh thần yêu nước nồng nàn và đấu tranh kiên cường chống xâm lược, tuy nhiên họ vẫn chưa có ý thức về mình là công dân tự do, họ có thể tự tạo ra nơi làm ăn sinh sống, đô thị kinh tế của mình như ngày nay. Họ rất sâu đậm ý thức thần dân, tự đặt mình dưới quyền, lệ thuộc vào giới sáng lập, khai sáng và làm chủ, cai trị, trị vì thành thị quân vương này; đó là vua chúa và những người ăn theo là quý tộc, hoàng gia, quan lại thậm chí cả binh lính và phải gánh chịu những nghĩa vụ thần dân đối với nhà nước phong kiến như sưu thuế, binh dịch, lao dịch, tuy mức độ có được giảm thiểu. Có chăng là họ ý thức và tự hào hơn dân các vùng khác bởi mình là thần dân đặc biệt được vinh dự sống ở nơi đất “Kinh kỳ” là nơi vua ở. Phải chăng với lối sống kỷ cương, khuôn phép ấy đã làm nên nét thanh lịch, nhẹ nhàng, không xô bồ, đấu đá của những “thị dân loại một” này (Xin được dùng cách gọi của người xưa). Và có lẽ bởi thế mà điểm lại trong lịch sử ít thấy nổi lên một thị dân Thăng Long – Hà Nội loại một nào làm ăn lớn ở lĩnh vực kinh tế đô thị mà đứng đầu bảng lại thường là những thị dân kẻ sĩ. Người Tràng An là thế, chỉ biết chiến đấu vì nhiệm vụ thiêng liêng chứ không đòi hỏi một sự đền bù, chỉ biết cống hiến chứ không quan tâm đến danh vọng, cao sang. Như một sự tiếp nối truyền thống từ ngàn đời, từ thời thượng cổ có một cậu bé nhổ tre đánh giặc, khi giặc tan rồi thì bay vút lên tận chín tầng mây, không đợi phát huân chương, không đợi chúng dân đền ơn đáp nghĩa. Thực là: cái hào hùng đi liền với sự khiêm tốn, cái vĩ đại đi đôi với cái bình thường.
 
Ngày nay, Hà Nội đang trở thành đô thị vững về chính trị, mạnh về kinh tế; song để nói nơi đây cao về văn hóa thì còn nhiều điều phải bàn. Với tốc độ tăng trưởng dân cư một cách chóng mặt, mà chủ yếu lại từ hai nguồn là mở rộng, đô thị hóa vùng miền và du nạp những con người không phải là thị dân xung quanh trung tâm đô thị với nhiều ý thức, phương thức, động cơ cao thấp khác nhau đang bộc lộ cả những tích cực và tiêu cực trong chất lượng của số lượng lớn “người Hà Nội mới”. Thật khó để tìm thấy nếu không muốn nói là rất hiếm gặp những gia đình gốc bản địa từ thời Long Biên trên đất Hà Nội nay. Việt Nam đang thực hiện chiến lược đô thị hóa đất nước, việc xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô hiện đại, giàu đẹp, văn minh là một việc cấp thiết, nó không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của riêng ai mà là của mỗi người con đất Việt. Nhìn về quá khứ, chúng ta cần khai thác những bài học kinh nghiệm, phải gìn giữ và phát huy những gì thuộc về truyền thống quý báu, những thứ là kết tinh của thế hệ ngàn đời. Đồng thời, cần khắc phục, triệt tiêu những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Để Hà Nội không còn hình ảnh nghìn nghịt những nam nữ choai choai dán mặt hàng giờ, hàng buổi, thậm chí thâu đêm suốt sáng vào dàn vi tính để chát chít, chơi game; không còn những phố đèn mờ xanh đỏ san sát nhà nghỉ, động lắc, mại dâm; không còn cảnh chèo kéo, chặt chém, xô bồ giữa phố phường chật hẹp; và cả những con phố thiêng liêng cạnh nơi Bác nằm không còn ồn ào những tiếng hò reo bên bàn rượu vỉa hè... Xin trả lại Hà Nội về với cái nền thanh lịch một thời, một đô thị đích thực với những người thị dân đích thực.
 
Trần Thọ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)