Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 09:16
Y phục người Hà Nội xưa và nay

“Ăn Bắc, mặc Kinh”, Kinh ở đây có thể ngầm hiểu là Kinh đô Thăng Long, bởi người Hà Nội xưa nay về phong thái ăn mặc có nét gì đó đặc biệt hơn những nơi khác.

 
Y phục người dân Thăng Long – Hà Nội không phải là cái gì đó nhất thành bất biến mà trải qua thời gian đã có sự thay đổi, thậm chí có cả những cải cách, chủ trương, sắc lệnh của chính quyền can thiệp vào. Trong đó, có những chủ trương hợp lòng người, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc. Nhưng cũng có những chiếu vua về y phục ban ra khiến dân chúng phải hãi hùng và ca thán bằng vè, ca dao. Ví như vua Minh Mệnh ban chiếu bắt dân Hà Nội và toàn thể các tỉnh xứ Bắc phải thay đổi y phục, bắt mặc quần chân áo khách cấm mặc váy vào năm 1828, khiến dân chúng phản ứng dữ dội:
 
Chiếu vua Minh Mệnh ban ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chông sao đành
Có quần ra chợ bán hàng
Không quần đành đứng đầu làng trông quan.
 
Sở dĩ người dân phản ứng như vậy là bởi y phục váy ống đã gắn liền với tinh thần tự tôn của dân tộc từ hơn 600 năm về trước. Khi đó, người phụ nữ dù nghèo khó đến mấy cũng không bao giờ mặc khố, họ mặc váy hoặc chiếc quần ống ngắn đến bắp chân. Chẳng hiểu Minh Mệnh không biết hay cố tình lặp lại điều mà giặc Minh khi đô hộ nước Đại Việt đã ép buộc dân ta, bắt đàn bà con gái phải bỏ váy mà mặc áo ngắn quần dài theo kiểu phương Bắc; với ý đồ đồng hóa dân ta, thêm vào đó chúng đốt phá các công trình văn hóa, thiêu hủy các chứng tích văn tự, thi thư... Ngay sau đó, đến đời vua Lê Thần Tông, ông đã xóa bỏ hết tàn tích nô lệ về y phục. Đến đời vua Lê Huyền Tông, với tinh thần tự tôn dân tộc ông đã ban hành lệnh cấm phụ nữ mặc áo khách, quần ống chân mà bắt buộc phải mặc váy. Điều đó khiến dân chúng hoan hỉ chấp thuận mà đố nhau rằng:
 
Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu
Bên ta thì có, bên Tầu thì không?
 
Cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo từng thời đại, đặc biệt là với phụ nữ, khi thẹn thùng trong váy ống; lúc súng sính trong tứ thân mớ ba, mớ bảy với dải yếm đào, sợi dây xà tích bạc có ống vôi hình quả đào trạm trổ tinh vi; khi dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài mềm mại... tuy cầu kỳ mà nền nã. Còn nam giới, họ cũng không kém phần hào hoa với áo lam, áo gấm, áo đoạn, áo the. Phụ nữ khăn trần, khăn vấn, khăn vuông, mỏ quạ thì nam giới cũng khăn nhiễu, khăn lượt. Phụ nữ đi guốc mộc thì đàn ông cũng giầy da Gia định hở gót, bóng loáng, đen nhánh. Cách đây ba bốn chục năm, người phụ nữ Hà Nội khi ra đường đều mặc áo dài dù chỉ để mua một mớ rau, mặc áo cánh ra đường người ta cảm thấy tự ngượng ngay với chính bản thân mình, vì bị coi là không đứng đắn, không lịch sự. Dẫu áo có rách thì cũng được vá rất ngay ngắn với miếng vá đúng màu vải, đúng màu chỉ và rất sạch sẽ, còn hơn là mặc áo ngắn ra đường, điều đó cho thấy họ rất chỉnh chu mỗi khi ra đường. Họ cầu kỳ ngay từ khâu chọn lựa chất liệu cho những bộ cánh của mình; áo thì phải là the dệt bằng tơ tằm, dệt thưa, nhuộm thâm, và thường là the làng La Cả; quần của nữ phải là lĩnh làng Bưởi, sợi mịn, mặt bóng, của nam giới là lụa trắng làng Cổ Đô. Hoặc xa xỉ hơn là những loại vải cao cấp như sa, xuyến, băng, là, xồi, đũi, nhiễu... Đặc biệt là loại dành cho vương hầu là đoạn, gấm, vóc... Những sản phẩm đã từng làm nên tên tuổi của các địa danh một thời:
 
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lục vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên
 
Nền nã, kín đáo chứ không phô trương, lòe loẹt, nét văn hóa đặc trưng này luôn được người Hà Nội gìn giữ qua mọi thời đại. Dẫu mỗi thời kỳ lại có những trang phục riêng nhưng tất cả đều nằm trong khuôn phép của hai chữ “thanh lịch”.
 
Ngày nay, trước những xô bồ của cuộc sống, trước cơn lốc của thời hội nhập, rất nhiều thứ, nhiều giá trị đã bị đổi thay và thời trang cũng không nằm ngoài những tác động của xu hướng hội nhập quốc tế. Quan niệm thẩm mỹ đã và đang thay đổi rất nhiều, người ta thích mặc những thứ làm sao cho nổi mọi đường cong của cơ thể, càng lộ ra bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Công nghệ “siêu mỏng”, “siêu cộc” đang lên ngôi, đang trong thời hưng thịnh, lấn át những giá trị truyền thống. Nhưng vẫn còn đó các thế hệ nơi Hà Nội 36 phố phường nối tiếp nhau giữ hồn túy đất Thăng Long văn hiến. Trong những trang phục váy áo cách điệu theo kiểu cách phương Tây trẻ trung, hiện đại của họ vẫn vương vất nét Tràng An thanh lịch. Đặc biệt gần đây, phong cách chụp ảnh với trang phục truyền thống áo the, khăn xếp đang được giới trẻ quan tâm. Dường như họ bắt đầu nhận ra nét đẹp thuần túy của hồn thiêng đất Việt.
 
Ăn mặc là một nét đẹp văn hóa tồn tại lâu dài. Ai cũng muốn mình đẹp trong mắt người khác và dẫu cho quan niệm về cái đẹp của mỗi người, mỗi thời đại, mỗi quốc gia có khác nhau; song thiết nghĩ chúng ta cần tôn trọng vẻ đẹp của quốc phục, mặc làm sao cho đúng với thuần phong mỹ tục, trước là tôn trọng những người xung quanh, sau là tôn trọng chính bản thân mình. Đừng vì cái đẹp “lạ” mà lệch chuẩn.
 
 
Trần Thọ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)