Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 11:27
Tản mạn về xuất bản và phẩm chất biên tập viên

Song hành với những thành quả vượt bậc mà ngành xuất bản đạt được là sự vận động không ngừng của quy trình, sự thay đổi cả trong cách thức hoạt động xuất bản. Cơ chế được mở rộng, khi hình thức liên kết xuất bản trở nên phổ biến, nhà xuất bản chỉ đứng tên còn các công ty sách đảm nhiệm mọi khâu, kể cả việc biên tập đã tạo nên thị trường sách thực sự sôi động từ mặt nội dung đến hình thức và sự đa dạng hóa của các ấn phẩm, hơn thế là sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy người làm sách. Đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất bản cùng với những thành quả đạt được là chất lượng các ấn phẩm chưa cao đã được bàn luận, đi liền với nó là phẩm chất biên tập viên, nguyên tắc biên tập được luận bàn và quan tâm một cách mạnh mẽ.

 
Bên cạnh những thành công của hình thức liên kết đem lại thì không ít những hạn chế xảy ra đó là chất lượng các ấn phẩm cả về mặt nội dung đến hình thức gây dư luận bức xúc. Ví như cuốn “Đồng dao dành cho trẻ em mầm non” do Nhà xuất bản Mỹ Thuật liên kết với Nhà sách Đinh Tỵ xuất bản năm 2013. Dư luận đã bức xúc bởi cuốn sách có nội dung phản cảm, sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và giáo dục trẻ, nhất là lứa tuổi mầm non. Hoặc như sự phản ứng của nhiều bậc phụ huynh lan truyền trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người phải sửng sốt với nội dung cuốn sách dành cho trẻ em nhưng có nội dung 18+ trong cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản.
 
Đó là một vài dẫn dụ nhỏ trong việc sai phạm về nội dung, còn về hình thức trình bày cũng không ít những sai sót xảy ra, đặc biệt là hình ảnh minh họa. Ví dụ như những bài học của học sinh nói về cờ Tổ quốc Việt Nam nhưng hình minh họa lại là cờ Trung Quốc, hay như bản đồ hành chính của Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc nhiều hình ảnh minh họa có tính phản cảm, thiếu giáo dục…
 
Là “bà đỡ” cho những đứa con tinh thần, nghề biên tập đòi hỏi một bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn kiến văn rộng rãi, sự nhạy bén về mặt ngôn ngữ, khả năng cảm thụ tốt. Ở thời điểm hiện nay nghề biên tập còn đòi hỏi khả năng xây dựng đội ngũ cộng tác viên, sự nhạy bén trong nắm bắt thị hiếu độc giả, thị trường tiêu thụ văn hoá phẩm… Những tố chất, những yêu cầu cần phải có càng khó bao nhiêu thì sự đảm bảo độ vững trong nghề bấy nhiêu. Nhưng trước sự nở rộ của người người, nhà nhà làm sách thì biên tập viên đã trở thành một nghề khá phổ biến và không quá khó, quá sang, quá cao để những người trẻ vừa ra trường có thể có được chức danh này. Có thể cái gì dễ có, dễ đạt thì cũng có lẽ dễ… bỏ qua những phẩm chất cần phải có. Việc để “lọt lưới” những cuốn sách có nội dung không phù hợp, hình thức trình bày bị sai… ngoài sự cẩu thả của tác giả cũng là trách nhiệm của nhà xuất bản, cụ thể là biên tập viên – người “gác cửa” cho các ấn phẩm.
 
Truy tìm nguyên nhân dẫn đến việc dễ bỏ qua những phẩm chất cần phải có với một biên tập viên nhiều nguyên do được đưa ra, cả chủ quan lẫn khách quan như sự thiếu năng động sáng tạo và nhanh nhạy với thị trường của các nhà xuất bản; sự bùng nổ của thông tin, các trang mạng phát triển khiến cho người đọc sách xuất bản dần ít đi và những người tâm huyết với viết sách không nhiều, cũng bởi nếu chỉ lao động sáng tác sẽ không đủ để nuôi sống họ...
 
Bước vào thời kinh tế thị trường, sách cũng phải đương đầu với áp lực cạnh tranh căng thẳng hệt như các sản phẩm hàng hóa khác. Và vì là một loại hàng hóa đặc biệt nên những áp lực lĩnh vực xuất bản phải đối mặt cũng có những đặc trưng riêng. Đặt trong bối cảnh thị trường với các quy luật cung - cầu tương đối sòng phẳng, các nhà xuất bản mang nặng tư duy làm ăn kiểu bao cấp càng lúc càng đuối. Thay vào đó là sự bung tỏa của cơ chế thị trường, xuất phát từ chính tác giả đến đội ngũ biên tập của nhà xuất bản đã chạy theo thị hiếu độc giả và bỏ qua những phẩm chất, nguyên tắc biên tập để cho ra đời những tác phẩm có nội dung lãng xẹt.
 
Bên cạnh sự vận hành theo cơ chế thị trường còn là sự thay đổi trong mô hình hoạt động. Nhiều nhà xuất bản đã chuyển từ đơn vị sự nghiệp hành chính có thu sang mô hình Công ty TNHH NN 1 thành viên, hoạt động như một doanh nghiệp.
 
Hoạt động trong mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, biên tập viên của nhà xuất bản có điều kiện trau chuốt cho những tác phẩm mình biên tập và chỉ dừng lại ở những quy trình biên tập như tổ chức bản thảo, chỉnh sửa nội dung bản thảo, xây dựng mạng lưới cộng tác viên. Nhưng khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trong lúc hoạt động xuất bản gặp nhiều khó khăn, có một số nhà xuất bản đã tiến tới khoán lương buộc anh em phải lao đi tìm việc. Mục đích một phần để mọi người cùng tháo gỡ khó khăn, để cán bộ, biên tập viên năng động hơn, nhưng trong quá trình thực hiện đã có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, đã có những mất mát nhất định, có những hiểu lầm, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh... Cái được từ cơ chế khoán thì ít mà cái mất thì nhiều, đó là một số biên tập viên vì mục đích tài chính mà bỏ qua những phẩm chất của người biên tập, tạo nên một lứa BTV không vững về chuyên môn, không chuyên nghiệp trong làm sách.
 
Chúng ta thấy từ những yếu tố khách quan đã có những tác động nhất định đến phẩm chất của biên tập viên, nhưng ở nguyên nhân chủ quan thì sao?
 
Xét về trình độ, theo yêu cầu biên tập viên  phải có trình độ đại học trở lên. Tính đến tháng 11/2011, cả nước ta đã có 64 nhà xuất bản (tháng 7/2013, sát nhập hai Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Từ điển Bách khoa, nước ta có 63 nhà xuất bản) với tổng số lao động là 5.497 người. Trong đó, 97,7% lao động đã qua đào tạo tại các trường khác nhau, 306 người có trình độ trên đại học (trong đó có 50 tiến sĩ, 8 phó giáo sư, 3 giáo sư), 2.162 người có trình độ đại học. Thực tế, dù đã có hơn 97% lao động ngành xuất bản đã qua đào tạo và có 100% biên tập viên có trình độ đại học trở lên, nhưng toàn ngành mới chỉ chưa đầy 40% cán bộ biên tập đã được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ biên tập - xuất bản.
 
Những năm gần đây, các công ty kinh doanh xuất bản của tư nhân và các thành phần kinh tế khác ở nước ta cũng tăng lên. Sự hoạt động mạnh mẽ của các đơn vị liên kết, của các nhà sách đã khiến cho nhiều nhà xuất bản mất đi khả năng tổ chức làm sách mà chỉ dừng ở việc cấp giấy phép xuất bản. Thực tế, đã có hàng trăm công ty tham gia liên kết xuất bản với các nhà xuất bản ngay từ khâu biên tập. Do vậy, nhu cầu bổ sung, tăng cường đội ngũ biên tập viên và quản lý xuất bản cũng lớn hơn. Đặc biệt trong khâu kiểm soát chất lượng các ấn phẩm trước khi cấp phép cho đơn vị liên kết thì việc đọc thẩm định, sửa chữa gia công bản thảo hoàn toàn trông chờ vào đội ngũ biên tập, vào ý thức trách nhiệm, vào phẩm chất của người làm biên tập.
 
Đàm Ly

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)