Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 29/03/2016 11:29
Hà Nội có một con phố mang tên một sĩ phu yêu nước người Nam Bộ

Hà Nội nay dù mở rộng về bốn phía, nhưng khu phố cổ, những con phố trung tâm vẫn giữ được nét riêng của mình với vẻ đẹp thâm trầm và sâu lắng. Mỗi con phố Hà Nội thường gắn với những câu chuyện, ý nghĩa lịch sử của riêng mình, có những con phố gắn liền với sản phẩm thủ công hay nơi chuyên buôn bán một mặt hàng, nguyên liệu nào đó và cũng có nhiều con phố gắn với tên của các danh nhân văn hoá, những sĩ phu yêu nước. Trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến có một con phố mang tên một sĩ phu yêu nước người Nam Bộ đó là phố Nguyễn Hữu Huân.

 
Thực dân Pháp sau khi chiếm đóng Hà Nội đã khiến cho Hà thành thay đổi diện mạo, trong đó có cả sự thay đổi tên các phố. Một trong những con phố nhiều lần đổi tên đó là phố Nguyễn Hữu Huân ngày nay. Thời Pháp thuộc (năm 1900) phố có tên là phố Đi-gơ (Rue de la Digue), sau đổi là phố Bắc Ninh (để ca ngợi một chiến công xâm lược). Về sau sông Hồng đổi dòng về phía đông đến vài trăm bước, nhường đất cho cả một khu nhà cửa khang trang mọc lên, người Pháp lại đổi là phố Thống chế Pêtanh (Rue Marechal Pétain) còn dân gian gọi là phố Bè Thượng (chỉ một khúc đê cũ). Sau năm 1947 phố có tên là Phan Thanh Giản (một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, sinh năm 1796 mất năm 1867). Tên phố mang tên của danh sĩ Phan Thanh Giản tồn tại cho đến năm 1964 được đổi là Nguyễn Hữu Huân nhằm tôn vinh một sĩ phu yêu nước và là một lãnh tụ khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 tại thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), đỗ đầu trường thi hương Gia Định năm 1852 nên còn gọi là Thủ khoa Huân. Ông là một trong những người dấy binh chống Pháp đầu tiên ở Nam Bộ. Tuy bị bắt nhiều lần, đày cả sang đảo Réuni-on, ông vẫn không chịu khuất phục. Năm 1875, ông bị bắt lại và tuyên án tử hình, để lại tấm gương anh hùng và nhiều áng văn thơ giá trị.
 
Theo các sử liệu thì phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc các thôn: Trùng Thanh, Trung Mộc Sà, Mỹ Lộc, Sơ Trang (tổng Tả Túc), Ưu Nhất, Trung Nghĩa, Đông An (tổng Hữu Túc) đều thuộc huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX tổng Tả Túc đổi thành tổng Phúc Lâm. Thôn Trừng Thanh - Mộc Sà thành Thanh Yên. Thôn Sơ Trang hợp với Tả Lâu thành thôn Tràn Lâu. Còn tổng Hậu Túc đổi là tổng Đông Thọ. Hai thôn Ưu Nhất và Trung Nghĩa hợp thành Ưu Nghĩa. Trên con phố này có các di tích là các đình như: đình Ưu Nghĩa ở nhà số 2A, thờ Nguyễn Trung Ngạn; đình Đông An ở nhà số 94, mới dỡ chừng hai mươi năm trở lại đây, thờ Uy Linh Lang; đình Thanh Yên ở nhà số11A ngõ Nguyễn Hữu Huân thờ 2 tiến sĩ họ Nguyễn và họ Vũ; đình Tràng Lâu ở nhà số 77, thờ Cao Sơn và Quý Minh. Cạnh đình này là đền Trang Lâu, thờ Liễu Hạnh.
 
Theo sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, phố Bắc Ninh (Nguyễn Hữu Huân) là một con phố tương đối lớn so với các phố xung quanh vì mặt đường rộng, hai bên đều có các nhà cao to. Trong phố có nhiều nhà buôn gỗ lớn. Kinh tế khủng hoảng năm 1930-1931 đã làm nhiều nhà buôn gỗ sạt nghiệp. Nghề buôn gỗ được phục hồi sau những năm 1935-1936. Khoảng những năm 1940 cả hai dãy phố có nhiều nhà buôn bán gỗ phiến, thêm những cửa hàng bán đồ gỗ. Sản phẩm đồ gỗ của con phố này bán thường là giường, tủ, bàn ghế… dùng trong gia đình. Những cửa hàng buôn gỗ ở phố này phần đông ở bên số lẻ, họ không đóng lấy mà mua lại của thợ ở ngoại thành. Thời tạm chiếm không có gỗ Thanh Hoá và Việt Bắc, nhà buôn vẫn có gỗ bán nhưng là gỗ từ Cao Miên đưa sang. Phố Nguyễn Hữu Huân từng là nơi buôn bán gỗ cũng như sản phẩm được làm ra từ gỗ sầm uất, ngày nay, nếu muốn mua đồ gỗ thì khách hàng thường tìm đến các phố Đê La Thành, Giảng Võ, hoặc Quang Trung, Hàm Long. Phố Nguyễn Hữu Huân đã mất độc quyền đồ gỗ mà thay vào đó là những hàng quán đa dạng.
 
Phố Nguyễn Hữu Huân dài hơn bốn trăm mét, đi từ ngã ba Trần Nhật Duật - Lương Ngọc Quyến, chỗ ngã năm "Cột đồng hồ" đến ngã tư Lò Sũ, nối tiếp với phố Lý Thái Tổ, thuộc quận Hoàn Kiếm. Trước kia ở đầu phố từng có một quảng trường với cây cột đồng hồ công cộng khá to, cho nên dân quen gọi là “Bãi Cột Đồng Hồ”. Sau khi xây cầu Chương Dương, cây cột này đã được chuyển lên đầu cầu. Hai bên phố Nguyễn Hữu Huân có hai con ngõ nhỏ đặc trưng cho Hà Nội. Một là ngõ Phất Lộc âm u với đền Tiên Hạ nhỏ nhắn bên trong. Còn con ngõ Nguyễn Hữu Huân tại số nhà 55 thì vốn mang tên Bạch Thái Bưởi, một nhà tư sản yêu nước hồi đầu thế kỷ XX từng đóng trụ sở hãng tàu thuỷ của ông ở đây.
 
Đi trên con phố Nguyễn Hữu Huân nay, cây cao bóng mát, tấp nập xe cộ chạy qua, có lẽ ít ai biết xưa kia nơi đây là bờ sông, con đê chắn sóng nằm ngay trên lòng đường bây giờ. Hơn thế, giữa lòng Thủ đô có một con phố mang tên một sĩ phu yêu nước người Nam Bộ - Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.
 
 
Khánh Ngọc
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)