“San” A7 của Nhà thương Phủ Doãn - Bệnh viện Việt Đức là nơi chiến sĩ cộng sản nhà tù Hoả Lò vượt ngục
Trước năm 1891, cả Hà Nội chỉ có một bệnh viện là Nhà thương Đồn Thuỷ (Quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu nghị ngày nay) chuyên chữa bệnh cho bọn thực dân Pháp. Năm 1896, một nữ tu sĩ đứng ra quyên tiền lập một nhà thương làm phúc ở đầu phố Phủ Doãn. Tới năm 1904, thực dân Pháp xây dựng nhà thương này để chữa bệnh cho người bản xứ, lấy tên là Bệnh viện Bảo hộ, năm 1943, được đổi là bệnh viện Yersin. Năm 1956, bệnh viện được sự giúp đỡ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Cộng hoà dân chủ Đức, trở thành một bệnh viện hiện đại ở Hà Nội và mang tên là Bệnh viện Phủ Doãn. Từ năm 1961 đến nay, bệnh viện có tên là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau đợt khủng bố trắng, cuối năm 1932, phong trào cách mạng dần dần được phục hồi. Trong nhà tù Hoả Lò, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mậu, Nguyễn Trọng Đàm, Nguyễn Tuấn Thức, đồng chí Du… bàn kế hoạch vượt ngục. Nhưng nhà tù Hoả Lò rất kiên cố, nhiều tầng bảo vệ và địch canh phòng rất cẩn mật, do đó chỉ có cách giả vờ ốm thật nặng để địch phải đưa ra Nhà thương Phủ Doãn chữa bệnh, mới có cơ hội vượt ngục.
Danh sách vượt ngục lúc đầu có 10 người, nhưng bất ngờ đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Tuấn Thức phải chuyển sang ở xà lim vì chúng nghi các đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Chí Hiền đang nằm ở Nhà thương Phủ Doãn lại bị chuyển trở lại trại giam Hoả Lò. Vì vậy, chỉ còn 7 người chuẩn bị tham gia vượt ngục. Sau khi được đưa ra nhà thương, 7 đồng chí vẫn bị giam ở “San”A7, cách biệt với mọi người và bị canh phòng cẩn mật. Chỉ có một cách vượt ngục duy nhất là cưa những song sắt để chui ra. Đồng chí Trịnh Thị Diềm đã gửi vào cho đồng chí Tạo 2 lưỡi cưa sắt, bằng nửa ngón tay út, nhét vào trong đôi dép dứa. Để cưa được song sắt không bị lộ, đồng chía Tuyển, đồng chí Lịch giả vờ điên, đập cửa, gào thét suốt ngày đêm. Lúc đầu, thấy động, lính còn vào kiểm tra soát xét sau chán chúng mặc kệ, nhờ thế, anh em thay nhau cưa song sắt mà địch không hề biết.
Theo đúng kế hoạch, đêm Nôen (24/12/1932) các song sắt đã bị cưa xong. Lợi dụng mọi người đi lễ tấp nập ở Nhà thờ Lớn, 7 đồng chí mau lẹ chui ra trèo tường, vượt qua hàng rào dây thép gai nhảy ra ngoài hoà cùng dòng người đi lễ tẩu thoát. Nhưng để đánh lạc hướng truy tìm của địch, các đồng chí đã để lại một bức thư giả: “Ở ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng, các đồng chí ra, có xe đón đưa lên biên giới”. May mắn trong số 7 đồng chí có đồng chí Phạm Quang Lịch (Hào Lịch) quê ở Thái Bình, xuất thân trong một gia đình khá giả, đã chuẩn bị cho anh em một số tiền, chia đều nhau, mỗi người được hơn 7 đồng để hộ thân. Theo đúng kế hoạch, các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm, Phạm Quang Lịch, Bùi Xuân Mẫu, Lê Đình Tuyển thuê xe đi về phía Bạch Mai rồi tìm đường về Hà Nam. Trời mùa đông giá rét, 5 đồng chí phải lội qua vùng đồng chiêm trũng Hà Nam, đêm đi, ngày chui vào các lùm cây ẩn nấp, sau 3 ngày đêm mới về đến Phủ Lý, bắt được liên lạc với cơ sở. Các đồng chí chia nhau đi về Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Hưng Yên, Thái Nguyên tiếp tục hoạt động.
Vượt ngục là hình thức đấu tranh tích cực nhất, cao nhất và cũng nguy hiểm nhất của người cách mạng khi bị cầm tù. Cuộc vượt ngục của 7 chiến sĩ cách mạng đã thành công. “San” A7 của Nhà thương Phủ Doãn đã ghi dấu một chiến công đầy mưu trí, sáng tạo của những người tù cộng sản. “San” A7 chính là phòng thư viện và phòng hồ sơ của Bệnh viện Việt Đức hiện nay đã được công nhận là di tích cách mạng kháng chiến của Thủ đô.
Ngọc Du
Nhà xuất bản Hà Nội