Trụ sở báo Rassemblement: Nhà số 30 Quán Sứ
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đảng chủ trương chuyển hướng hoạt động sang công khai và nửa công khai. Ở Bắc Kỳ, hoạt động này được bắt đầu bằng việc xuất bản báo Hồn Trẻ. Từ một tờ báo tư nhân, chuyển sang tay những cán bộ cộng sản, Hồn trẻ (tập mới) đã trở thành người chiến sĩ tiên phong mở đường cho báo chí cách mạng bước vào cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ. Vì vậy, Hồn trẻ đã bị thực dân Pháp cấm. Tiếp theo, các báo chí tiếng Việt như Tiếng vang làng báo, Kiến văn… lần lượt bị đóng cửa.
Lợi dụng chính sách xuất bản báo tiếng Pháp không phải xin phép, tờ Le Travail (Lao động) đã ra đời và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một tờ báo cách mạng. Le Travail phải ngừng xuất bản sau khi ra được 30 số. Mặt trận báo chí của Đảng cần một tờ báo tiếng Pháp tiếp tục tờ Le Travail.
Ngày 16/3/1937 Rassemblement ra số 1, giám đốc Phan Tử Nghĩa, toà soạn 30 Richaud, in tại nhà riêng, khổ 30,5x44,5cm.
Đồng chí Đặng Xuân Khu trực tiếp phụ trách báo này, nhưng đến số 5 (4/5/1937) thì cả chủ bút lẫn chủ nhiệm đều bị ra toà. Địch không kết án được những người làm báo, nhưng Rassemblement vẫn bị đình bản.
Ngay khi ra đời, Rassemblement đã có tiếng vang và uy tín lớn. Ngày 27/3/1937, đại diện của báo là Võ Nguyên Giáp đã tham gia Hội nghị báo giới Trung Kỳ. Sau đó ở Hội nghị báo giới Bắc Kỳ (12/4/1937), Rassemblement là một hạt nhân cách mạng. Những đại diện ưu tú của Rassemblement như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu đã được bầu vào Uỷ ban quản trị thường trực. Sau khi Rassemblement bị đình bản, tờ En Avant (Tiến lên) kế nghiệp ra mắt bạn đọc, cùng với những tờ tiếng Việt như Thời báo, Thời thế, Bạn dân, tiếp bước con đường đấu tranh cách mạng trên lĩnh vực báo chí.
Nhà 30 phố Quán Sứ nằm trong dãy nhà số 12 số nhà (từ 22 đến 44) do cô Tư Hồng (Trần Thị Lan) xây để cho thuê. Ngôi nhà gồm 3 tầng, kiến trúc kiên cố nhưng đơn giản.
Tuy chỉ tồn tại 3 tháng ngắn ngủi (tháng 3 đến tháng 5/1937) nhưng báo Rassemblement đã khiến địa chỉ 30 Quán Sứ trở thành một di tích cách mạng kháng chiến, là niềm tự hào của báo chí cách mạng và nhân dân Thủ đô.
Nhà 30 Quán Sứ do tư nhân quản lý, trải qua thời gian đã đổi chủ nhiều lần và cũng qua nhiều lần sửa chữa, song kiến trúc cơ bản vẫn được bảo tồn. Tuy nhiên các tư liệu, hiện vật, chứng tích liên quan đến tờ báo cách mạng Rassemblement đều bị thất tán, không còn lưu giữ được.
Quang Du
Nhà xuất bản Hà Nội