Phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội và ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo
Đầu tiên là Phật giáo. Thành phố Hà Nội – chỉ nói về năm quận nội thành cũ (Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) là miền đất đích thực Kinh kỳ xưa - đang có đến 549 ngôi chùa trong tổng số 1774 chùa, đình, miếu, lăng, nhà thờ họ và di tích cách mạng đã xếp hạng và kiểm kê (trích Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000). Con số 549 ngôi chùa cổ này là di sản vật thể điển hình của văn hóa Phật giáo qua các thời kỳ lịch sử, chứng tỏ trong xã hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội Phật giáo có một vai trò, vị trí đáng kể. Tư tưởng Phật giáo đã định hướng cho sự phát triển của phong tục tập quán Thăng Long đặc biệt qua các thế kỷ thứ XI - XIV (thời kỳ Lý - Trần). Ngày nay, dù không còn thịnh thời như các thế kỷ xưa nhưng Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng tới phong tục tập quán Hà Nội. Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy người dân Hà Nội nô nức đi lễ chùa cầu phúc. Ngày tết, ở ngoại thành vẫn còn tục trồng cây nêu để nói với “ma quỷ” rằng nhà ta ở đây là “đất của Phật”, chớ đụng vào. Hay khi có người thân qua đời, hầu hết dân Hà Nội sau năm tuần (5 x 7 = 35 ngày) hay sau bảy tuần (7 x 7 = 49 ngày) đều làm lễ đưa “vong lên chùa”… Phật giáo quả đã tạo nên một sắc thái riêng trong quá trình vận động của phong tục Thăng Long - Hà Nội.
Sau Phật giáo phải kể đến Đạo giáo. Tuy ngày nay tôn giáo này đã phôi pha song vẫn còn ảnh hưởng tới sự vận động của phong tục Hà Nội. Đạo giáo là một biến thể của Lão giáo - nguyên là một trào lưu triết học cổ đại Trung Hoa, do Lão Tử khai sáng. Học thuyết Lão Tử coi Đạo là gốc của vũ trụ, cùng với các tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc lập ra Đạo giáo. Trong thực tế lịch sử, Đạo giáo phát triển ở Thăng Long thời Minh thuộc. Điều này nằm trong âm mưu phổ biến tư tưởng lánh đời, ở ẩn và tuyên truyền mê tín, dị đoan của bọn đô hộ. Một số Đạo giáo đã đi vào phong tục Việt và tồn tại đến ngày nay, đan xen cả những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Không bon chen, tranh giành, sống trong sạch, chuộng sự thanh tịnh… song hành với các thói xem số, xem tướng, phù thủy, bùa chú, vàng mã, đồng cốt.
Từ thời Lý, để củng cố và phát triển vương triều, bên cạnh việc đề cao Phật giáo, từ năm 1070, Lý Thánh Tông đã chọn một địa điểm gần của Đại Hưng - trong khu dân cư phía Nam Hoàng thành - mà xây dựng Văn Miếu thờ các vị tiên thánh, tiên hiền của đạo Nho để rồi sáu năm sau (1076) thì xây dựng thêm ở đây một trung tâm giáo dục Nho học cao cấp dành riêng cho giới quý tộc: Quốc Tử giám. Như vậy bắt đầu từ thời Lê rồi Nguyễn trong năm thế kỷ tiếp theo (XV - XIX) ý thức hệ Nho giáo đã thay thế, giữ vai trò định hướng cho sự vận hành của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long. Cho tới nay, ý thức hệ này vẫn tồn tại trong cuộc sống với cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Tiên học lễ, hậu học văn; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; trung hiếu; tôn sư trọng đạo… vẫn được bảo lưu tuy nội dung có ít nhiều thay đổi. Hoặc các hủ tục trong nghi lễ tang ma, cưới xin, lễ hội, cúng tế, thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ, sách nhiễu dân… cũng là di chứng Nho giáo.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội