Trong suốt hơn ngàn năm ấy, đã không biết có bao nhiêu tác phẩm thơ ca, truyện ngắn, bút ký, tranh vẽ và cả những bài hát về Hà Nội. Trong tác phẩm “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ trì tuyển dịch tập hợp gần 200 tác phẩm tiêu biểu nhất ở dạng thơ, truyện ngắn, bút ký qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử.
…Ngồi nhâm nhi tách cà-phê trứng sữa trên ban công quán Cà-phê Đinh bên hồ Gươm, tôi ngắm nhìn bầu trời dần chuyển sang màu tím xanh, cầu Thê Húc nhuộm đỏ rực một góc hồ bởi ánh đèn lung linh, ngoài đường đèn điện đang sáng dần lên, mờ mờ ảo ảnh. Tôi phê lắm! Tôi phê cái thứ ánh sáng kì ảo ấy từ khi mới ở quê xuống Hà Nội thi đại học, ngồi trên ô tô ngắm phố phường Hà thành tấp nập xe cộ, các tòa nhà cao vút, cái thứ ánh sáng lập lòe khi hoàng hôn buông xuống. Hà Nội trong mắt tôi là thế đấy.
Bên trong quán cà-phê những mảng tường loang lổ chỗ lợt vôi chỗ loang màu, dường như chủ quán chẳng muốn thay sửa chúng mà muốn giữ chúng lại như làm kỷ niệm. Bức tường nối giữa gian phòng với cầu thang chật hẹp nơi góc nhà có đóng tấm phên lợp màu nâu đen, những miếng gỗ bạc màu chồng lớp lên nhau, vang lên những tiếng “Cộp, cộp” do bước chân người qua lại. Qua thời gian, chiến tranh và hiện tại, lớp lớp người vẫn ghé qua đây vì coi như quán cà-phê là nơi họ có thể tưởng tượng ra trong những năm đói khổ của đất nước người dân Hà Nội đã từng sống như nào. Bà Bích – chủ quán cà-phê Đinh tuy đã mất, tôi ngồi ở ban công nhìn vào ảnh thờ của bà cũng thấy kính trọng và quý mến bà dù chưa tiếp xúc bao giờ. Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, có cái nét từ tốn quý phái lắm. Tôi thầm nghĩ: “Phải chăng khí chất của người Hà Nội xưa là thế?”. Phía dưới ban công, tiếng bác bán hàng rong văng vẳng nói chuyện với bác chủ nhà tầng dưới “Này còn cái bánh chưng ăn nốt nhé.”. Đôi quang gánh to bè giờ chỉ còn nải chuối vàng ươm và hai chiếc bánh chưng vuông vắn cũng đủ khiến tôi say sưa nhìn theo. Vậy đó, phố xá phồn hoa chốn Hà thành tuy ồn ào và tấp nập nhưng đâu đó trong những con hẻm, góc phố vẫn còn phảng phất những mùi hương thân quen, những hình ảnh đơn sơ và giản dị.
Tâm hồn tôi rạo rực, lâng lâng. Ngay khoảnh khắc này tôi như được sống, được cảm nhận hai góc nhìn, hai khoảnh khắc Xưa – Nay của Hà Nội, dường như có cỗ máy thời gian nào đó đã đưa tôi trải qua hai giai đoạn đó cùng lúc, hay là tôi đã già quá rồi để cảm thấy mình trường thọ thấy được viễn cảnh ấy? Bên trang sách của nhà thơ Phan Vũ, tôi dừng lại bên những dòng thơ quen thuộc, bất giác tôi lẩm nhẩm theo câu từ của nó:
“Xập xèo
Kỷ niệm
Đêm Kinh Kỳ
Một thuở
Xanh lơ…
…
Em ơi, Hà - Nội - phố,
Ta còn em màu xanh thời gian
Màu xám hư vô
Chợt nhòa
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh những dáng hình
Nhợt nhạt vàng son”
Ven hồ Gươm, những cây liễu đung đưa, rủ xuống mặt hồ như muốn trườn mình xuống làn nước trong xanh. Cứ mỗi lúc gió lùa, những cành lá liễu lại như cô gái nhỏ rùng mình khẽ run hay như chúng vỗ tay chào đón mọi người đến bên chúng vậy. Hà Nội những ngày cuối tháng Ba, cái rét cuối mùa không quá buốt giá, những hơi nóng của mùa hè đã bắt đầu len lỏi vào từng kẽ hở của không khí. Hè sắp tới, Hà Nội lại ngào ngạt hương sen, màu đỏ rực của hoa Phượng Vĩ.
Chẳng thế mà trong bài hát Hà Nội, 12 mùa hoa, Giáng Son đã tìm tòi và liệt kê 12 loài hoa sặc sỡ nhất theo 12 tháng trong năm ở mảnh đất Hà Thành: “Tháng Giêng hoa đào bừng nở, đón xuân khoe sắc hồng tươi”. Hà Nội vốn nổi tiếng với những cành đào Nhật Tân mỗi khi Tết đến xuân về; những cây hoa ban tím mộng mơ bên lăng Chủ tịch; mùa sen tháng sáu nở bung bên hồ Tây nên thơ; nào là những bông cải vàng rực rỡ ven sông Hồng những ngày cuối đông; mùi hoa sữa phảng phất trên mỗi con đường mỗi độ thu về, hay những cánh điệp vàng rụng phủ kín những con đường Kim Mã, Hoàng Diệu. Ôi Hà Nội! Hà Nội cứ thế đi vào lòng người theo một cách riêng biệt, giản dị, đơn sơ và mộc mạc như thế mà đủ luyến lưu lòng người cho dù những loài hoa kia mùa nào cũng có, mảnh đất nào cũng có. Những điều bình thường ấy lại càng khiến nỗi nhớ da diết hơn với những con người Hà Nội đi xa, hay với những người đã từng gắn bó một phần thời gian, tuổi xuân của mình với mảnh đất Kinh Kỳ. Ngay cả nhà thơ Quang Dũng dù có đang thực hiện nghĩa vụ ở Tây Tiến cũng nhớ đến Hà Nội: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” vì Hà Nội còn có những con người kính mến, đáng yêu đang đợi chờ.
Chiều buông nắng, hoàng hôn khuất xa chân trời, đeo tai nghe và tôi hòa lòng mình vào tiếng nhạc du dương của bản nhạc Nhớ về Hà Nội: Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình!
Mộc Miên
Nhà xuất bản Hà Nội