Thành Đại La xưa và tầm nhìn của Lý Thái Tổ
Cuối năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra vương triều Lý. Và chỉ vài tháng sau đó, với tầm nhìn thiên niên kỷ, với quyết định táo bạo thể hiện nhận thức và tầm nhìn về tiền đồ phát triển của đất nước; nhưng cũng hết sức thận trọng, Lý Thái Tổ ban hành Chiếu dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La đổi tên là thành Thăng Long “nơi thắng địa, chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Địa danh Thăng Long chính thức xuất hiện và được xây dựng bề thế, uy nghiêm, trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt. Không chỉ là vị vua sáng lập ra Vương triều Lý, kiến tạo Kinh đô Thăng Long, mà trong suốt thời gian trị vì đất nước, Lý Thái Tổ đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện các biện pháp đẩy mạnh công cuộc củng cố, xây dựng quốc gia thống nhất, đặt nền tảng quan trọng cho sự vững mạnh của Vương triều cũng như sự phát triển và trường tồn của đất nước.
Việc định đô là công việc có ý nghĩa trọng đại của mỗi quốc gia bởi nó là thước đo trình độ kinh tế - xã hội, văn hóa, văn minh của đất nước đó. Kinh đô của mỗi quốc gia phải là nơi hội tụ và kết tinh tinh hoa của quá khứ, phản ánh đầy đủ và chân thực đời sống hiện tại, có khả năng đại diện và dẫn dắt tương lai phát triển của đất nước. Nhìn lại Hoa Lư khi đó, với địa thế núi non hiểm trở, không phù hợp để xây dựng đất nước trên quy mô lớn; hạn chế trong việc đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hóa. Hơn nữa, sự chuyển đổi của dòng sông, bến bãi làm cho vùng đất này mất đi vị thế “đắc địa” vốn có xưa kia. Dưới con mắt tinh tường, Lý Công Uẩn đã sớm nhìn ra “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương” bởi vậy “Không thể không dời”(Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1). Trăn trở trước sự trường tồn và phát triển của đất nước, cùng với tầm nhìn xuyên thấu không gian và thời gian, Lý Công Uẩn sớm tìm được vùng đất là nơi thắng địa, hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi “Thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Ông giải thích cho sự lựa chọn thành Đại La làm kinh đô đất Việt: “thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng đất này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”. Như vậy, thành Đại La đã hội tụ đủ được tất cả các điều kiện, lợi thế để xây dựng một đế đô; đặc biệt khu vực này xưa kia không chỉ có hệ thống thành hào bề thế và kiên cố làm trị sở của chính quyền đô hộ, mà dần hình thành một đô thị quy mô lớn và mức độ tập trung dân số cao hơn hẳn so với tất cả các vùng khác trong nước. Hơn nữa, nó lại ở vào vị trí trung tâm của châu thổ sông Hồng, nơi giao thoa của các tuyến đường giao thông thủy bộ, rất thuận tiện cho việc trao đổi, buôn bán, giao thương. Lý Công Uẩn không chỉ nhận thức sâu sắc tất cả những tiền đề đó, mà ông đặt trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh của đất nước, vào tương lai phát triển của dân tộc, bởi thành Đại La là kết quả của cả một quá trình lựa chọn, trù tính không chỉ của riêng ông mà của cả dân tộc hàng nghìn năm nên đó là sự chọn lọc hoàn toàn đúng. Quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La không chỉ thể hiện ý chí của một vị Hoàng Đế anh minh và Vương triều của ông mà còn là nguyện vọng tha thiết của toàn dân ta. Có lẽ bởi thế mà Chiếu dời đô được vua Lý Thái Tổ tự tay viết như để thể hiện trọn vẹn tấm lòng vàng đá của một bậc quân vương, trước sau chỉ hành động theo “mệnh trời” và “ý dân”. Một minh chứng sát thực nhất cho điều đó là câu hỏi mà Lý Thái Tổ đặt ra trong Chiếu dời đô như một sự phá cách rất tinh tế: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” Điều đó cho thấy, tự đáy lòng mình ông muốn biết ý kiến của quan lại trong triều và dân chúng về chủ trương quan trọng mang tầm quốc gia này. Một cách hành xử mẫu mực, đầy sự tôn trọng và đề cao tiếng nói của dân.
Năm 1010, việc chuyển dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La hoàn tất. Vua Lý Thái Tổ vừa cho tiến hành xây dựng 8 điện, 3 cung; vừa cho đắp thành, đào hào, mở 4 cửa: Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng và Diệu Đức tương xứng với 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Năm 1014, ông lại cho đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long tạo thành vòng ngoài gọi chung là thành Đại La. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là vòng thành bao lấy Cung thành, tạo thêm độ nghiêm cẩn và bảo vệ an toàn cho Cung thành ở bên trong mà còn bao lấy cả các khu luyện quân, giảng võ, khu đền, đài, cung, quán, kho tàng, khu vườn thượng uyển với các danh lam thắng cảnh phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng cung đình. Đại công trình “Tam trùng thành quách” này một lần nữa khẳng định tài thao lược, tầm nhìn xuyên thấu của nhà thiết kế và thi công vĩ đại nhất của tòa thành Thăng Long – Lý Công Uẩn. Ông biết tận dụng địa thế tự nhiên lắm sông nhiều hồ của vùng đất này và biến chúng thành những con hào tự nhiên, những đường giao thông thủy tiện lợi và một hệ thống thoát nước, điều tiết môi trường, bảo vệ sinh thái.
Quyết định rời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Vương triều Lý và quốc gia Đại Việt. Thành Thăng Long với biểu tượng Rồng Bay vừa mang khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, vừa chứa đựng ý niệm thiêng liêng về cội nguồn. Cũng bắt đầu từ đây, Thăng Long với kỳ công xây dựng và bảo vệ xứng đáng là Kinh đô mãi mãi muôn đời của đất nước.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội