Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 04/04/2016 03:05
Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực
 Đánh giá về lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, Danh sĩ Thân Nhân Trung có viết: “Khai quốc Trạng nguyên, văn chương vẻ vang trong nước, nổi tiếng một đời. Triều vua nào cũng được yên chuyện, giữ việc văn hành ở nơi quán các, là người khiếm tốn, trước sau vẹn toàn”.

 Chỉ bằng những nhận xét của danh sĩ Thân Nhân Trung đã giúp cho người đọc phần nào hiểu được con người của Nguyễn Trực. Sử cũ ghi lại rằng: Nguyễn Trực sinh năm 1917 hiệu là Sư Liêu, tự là Công Dĩnh, quê ở xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội), ông  sinh ra trong thời buổi loạn lạc nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, ở một gia đình thuộc dòng dõi có học vấn, đỗ đạt cao: Ông nội là Tiến sĩ Nguyễn Bính từng giữ chức nho học huấn đạo giáo quan Quốc Tử Giám, cha là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung làm quan giáo thụ Quốc Tử Giám dưới triều vua Lê Thái Tông. Thuở nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh, mẫn tiệp, 12 tuổi ông đã có khả năng làm thơ, 17 tuổi ông đã đỗ đầu kỳ thi Hương (Năm Thiệu Bình thứ nhất 1434).
Năm Nhâm tuất niên hiệu Bảo Đại thứ ba (1442), khi ấy ông tham gia kì thi Đình đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khi ấy ông mới 25 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt, vua Lê đã ban mũ áo Trạng nguyên cho người đỗ đạt cao nhất. Sau khi vào cung, trong một lần ông được nhà vua cử đi sứ sang Trung Quốc, sang đó đúng vào dịp nhà Minh tổ chức kỳ thi Đình, Trạng nguyên Nguyễn Trực muốn cho nhà Minh biết tài học vấn của người Việt nên đã đăng kí tham gia kỳ thi đó. Kỳ thi năm ấy của nhà Minh, Nguyễn Trực đã khẳng định được trình độ và tài năng của mình khi đứng đầu kì thi. Đó là lý do ra đời của cái tên Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực mà người Minh đã xưng tặng ông.
Quan điểm về việc tiến cử hiền tài được Nguyễn Trực quan tâm hàng đầu điều này được thể hiện ngay trong bài văn sách quyết định ông đỗ Trạng nguyên. Khi luận về đạo quân tử và tiểu nhân trong bài văn sách của Nguyễn Trực có đoạn viết:
“Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyển tâm, phải thử thác, phải thận trọng mới được. Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường đặt vua vào chỗ không lỗi lầm...”
Có thể thấy rằng, trong suy nghĩ của Nguyễn Trực việc dùng người muốn đạt hiệu quả thì nhà vua phải trăm bề tu đức, phải có nhân – trí – dũng và phải giỏi thuật dùng người. Cơ sở của một nền thịnh trị cần phải có vua sáng, tôi hiền, đó chính là ý thức và tầm quan trọng của nhân tài nó có quan hệ mật thiết với sự hưng vong của đất nước. Vấn đề trọng dụng nhân tài được Nguyễn Trực đặt ra ở đây nó không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn lịch sử đấy mà nó còn mang tính thời sự cho đến tận thời đại ngày nay.
Danh tiếng về sự học của Nguyễn Trực vang xa khắp các vùng, trong thời gian ông về chịu tang mẹ các học sĩ của bốn phương đến theo học của ông rất đông. Sau này có nhiều bậc cử nhân, danh sĩ, khoa bảng được vua ban cho áo, mũ là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Trực.
Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ông cũng có nhiều đóng góp to lớn: ông là một trong những văn thần được tham gia bình thơ văn của vua Lê Thánh Tông từ trước khi có hội Tao Đàn. So với số lượng thơ, văn mà ông sáng tác thì số còn lại rất ít ỏi nhưng qua đó người đọc cũng phần nào hiểu được về con người, tâm trạng của ông thể hiện trong từng giai đoạn của cuộc đời. Thời trai trẻ thì hừng hực với những hoài bão, khát vọng phò vua giúp nước, tinh thần cao cả của một nho sĩ hành đạo mẫu mực.
Chẳng cần đến trăm nghìn công lao nện đắp,
Chẳng phí đến muôn vạn của cải tiền tài.
Chỉ cần lễ nghĩa tạo hướng đi cho mưu lược,
Chỉ cần đạo đức làm cơ sở đề tài bồi.
Đến khi về già là một niềm nhớ nhung quê cũ với những ước mong bình dị muốn được hòa mình vào không gian, thời gian yên ả của làng mạc, quê hương.
Bệnh thừa ân chiếu hứa lưu kinh,
Quy kế Sơn Tây nhất vị thành.
Hà nhật Sơn Tây sơn hạ lộ,
Thoa y, tiểu lạp khán xuân canh?
Tác giả sách Hoàng Việt thi văn tuyển dịch thơ:
Ơn cho dưỡng bệnh chốn kinh kì,
Về nghĩa chưa thành mãi đến nay.
Mong mỏi ngày nào đường dưới núi,
Mang tơi, đội nón ngắm dân cày?
Nguyễn Trực là người đầu tiên mở ra danh vị Khôi nguyên của nước Việt, văn chương rạng rỡ một thời. Nhắc đến tên tuổi của ông là người đời nghĩ đến một nơi kết tụ sự hiểu biết của các triều vua điển văn học thuật ở chốn Hàn Lâm. Dù cho lịch sử dân tộc đã trải qua những biến cố thăng trầm, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực mãi là dấu son chói ngời trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, rạng danh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)