Năm 1906 khi thực dân Pháp xây dựng Sở Mật thám cũng là năm xây dựng Toà án và Nhà Hoả Lò, 3 cơ quan này được tập trung ở gần nhau. Việc xây dựng các cơ quan này được coi là bộ ba của công cụ trị an và đàn áp của chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Theo sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, Sở Mật thám được làm trên một khoảng đất diện tích khá rộng, cổng trước quay ra đường phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), đường sau sát với đường Reinach (nay là Trần Quốc Toản). Cơ quan đó có tên là Sureté générale nghĩa là Tổng cụ An ninh, dân ta thường gọi là Sở Mật thám, tên chữ là Sở Liêm phóng. Nhân viên ở đây chính quyền thực dân thường chọn những người Pháp gốc đảo Corse làm mật thám và cai ngục; những năm 1930 – 1940 chúng dùng nhiều tên Tây lai, họ vừa hung ác lại vừa sõi ngôn ngữ phong tục Việt Nam.
Sở Mật thám Hà Nội là hình ảnh khủng khiếp không chỉ với những chiến sĩ hoạt động cách mạng mà với nhiều người kể cả dân lành vô tội. Thời ấy, chỉ cần một tên chỉ điểm có thể gieo tai hoạ, thậm chí dẫn đến tan cửa nát nhà, huỷ hoại cả cuộc đời của một người dân lành. Những đòn đánh hiểm, tra tấn dã man của các nhân viên Sở Mật thám nhằm tra khảo, thị uy những người hoạt động cách mạng. Nhiều cán bộ cách mạng của chúng ta đã qua những căn phòng tra tấn của Sở Mật thám Hà Nội, nó là thước đo không riêng lòng dũng cảm trước uy vũ kẻ thù, mà cả lòng trung thành với lý tưởng cao cả.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, những cơ quan cảnh sát thực dân đã bị giải thể, ngành công an Việt Nam được thành lập và tiếp quản những cơ sở của Pháp để lại. Tên gọi Sở Mật thám nay không còn nữa nhưng những hình ảnh về một cơ quan công quyền của thực dân xưa vẫn còn trong ký ức của những người Hà Nội từng trải qua thời đó.
Linh Chi
Nhà xuất bản Hà Nội