Sứ thần lưu danh thiên cổ Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi sinh năm Canh Thìn (1280), trong một gia đình nghèo ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vốn là người có tư chất thông minh, lại sớm mồ côi cha, một mình mẹ nuôi dưỡng cho ông ăn học trong điều kiện khó khăn, vất vả bị người đời khinh rẻ, hơn ai hết ông sớm nhận ra rằng phải thoát khỏi cảnh nghèo khổ bằng con đường học hành.
Theo nhiều sử sách viết về cuộc đời và con người của Mạc Đĩnh Chi có nói rằng: ông là người có ý chí cao trong học tập, ở mọi nơi, mọi lúc ông đều đọc sách, đọc và nghiền ngẫm nghĩa của chữ thánh hiền.
Năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, khi vào ra mắt nhà vua do tướng mạo xấu xí vua Trần Anh Tông lúc ấy có ý không muốn cho ông đứng đầu. Ông rất bực mình nhưng bản tính hiền lành và khôn ngoan không cho phép ông được bộc lộ trước mặt vua. Sau đó, ông đã viết một bài phú bằng chữ Hán để gửi gắm chí khí của mình đó là lý do ra đời của bài phú nổi tiếng “Ngọc tỉnh liên phú” (Phú hoa sen giếng ngọc). Ông đã khéo léo dùng hình tượng hoa sen trong giếng ngọc ở núi Hoa Sơn do một vị đạo sĩ hái mang xuống cõi trần. Bài phú đã đề cao được phẩm chất trác việt phong thái cao quý của một con người khác thường, vượt xa người đời về mọi mặt. Vua Trần Anh Tông sau khi đọc, khen ông là thiên tài mới cho đậu Trạng nguyên.
Sau khi vào kinh đô, nhà vua cho mời ông vào bái kiến hỏi về việc nước. Bằng kiến thức uyên thâm của mình, ông đã trình bày với nhà vua một cách đầy đủ, đầy trí tuệ vua thấy hài lòng và ban cho ông chức Hàn lâm học sĩ.
Nói đến Mạc Đĩnh Chi, người đời biết nhiều về ông bên cạnh một nhà văn lớn đó là một nhà ngoại giao lỗi lạc. Trong suốt quá trình làm quan qua ba triều vua Trần Anh Tông (1293-1314), Trần Minh Tông (1314-1329), Trần Hiếu Tông (1329-1341) ông nhiều lần được cử đi sứ và mỗi một hành trình của ông lại biểu hiện xuất sắc tài năng ngoại giao và tầm trí tuệ vĩ đại của ông. Ông là một sứ thần ứng đối, biện luận giỏi, giữ vững được uy tín và lợi ích quốc gia, thể hiện sự thông minh, linh hoạt, khí tiết vững vàng của ông.
Chuyện kể rằng năm 1308, vua Trần Anh Tông cử Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang chúc mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi vua, do đường xa và mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Viên quan nhà Nguyên giữ cửa ải không mở cửa cho sứ bộ qua. Sau đó họ ném xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm đợi đến lúc trời sáng.
Vế đối là:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyệt quá khách quá khách.
(Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan)
Cái khó của vế đối này là trong 11 chữ của vế ra lại có tới bốn lần nhắc đến chữ “quan” nhưng Mạc Đĩnh Chi đã nhanh chóng ứng khẩu đọc ngay vế đối có bốn chữ “đối”, nghĩa lý rất sâu sắc, tề chỉnh:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước)
Quân lính nhà Nguyên nghe ông Trạng nước Nam đọc vế đối rất phục đã phải mở cửa ải để Mạc Đĩnh Chi đi qua.
Một lần khác, khi gặp trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi của Đai Việt vua Nguyên muốn khoe khoang đất đai và sự hưng thịnh của nhà Nguyên tồn tại lâu đời, bèn ra một vế đối nhưng sau khi nghe Mạc Đĩnh Chi đáp lại thì vua Nguyên đã rất phục tài đối đáp của ông và ban thưởng cho ông rất hậu.
Vế đối là:
Lạc thủy tần quy đan ứng triệu, thiên số cửu, địa số cửu, cửu cửu bát thập nhất số, số số hỗn thành tam đại đạo, đạo hợp Nguyên thủy thiên tôn nhất thành hữu cảm.
(Con rùa sông Lạc báo triệu tốt, số trời chin, số đất chin, chin chin thành tám mươi mốt số, số số hợp thành ba đạo lớn, đạo hợp với nguyên thủy thiên tôn, bởi một chữ thành có cảm).
Ngay lập tức Mạc Đĩnh Chi đã đáp lại:
Kỳ sơn minh phục lưỡng trình tường, hùng thanh lục, thư thanh lục, lục lục tam thập lục thanh, thanh thanh ưởng triệu cửu trùng thiên, thiên sinh Gia Tĩnh, hoàng đế vạn thọ vô cương.
(Con phụng núi Kỳ trình điềm hay, tiếng đức sáu, tiếng cái sáu, sáu sáu thành ba mươi sáu tiếng, tiếng tiếng suốt chính tầng trời, trời sinh ra Gia Tĩnh hoàng đế, cho muôn tuổi thọ dài lâu).
Trong suốt quãng đời làm quan trải qua nhiều lần đi sứ ở nước người, ông gặp phải rất nhiều tình huống khó khăn nhưng trong hoàn cảnh nào ông cũng khẳng định được bản lĩnh, tài năng của mình. Lúc cần tỏ rõ cho nhà Nguyên biết văn tài của người Đại Việt và giữ quốc thể, thì Mạc Đĩnh Chi đã đối ứng rất cứng rắn. Lúc cần nhượng bộ thì ông cũng mềm mỏng để giữ hòa hảo giữa hai triều. Ông là tấm gương sáng cho sự cố gắng vươn lên học tập trong mọi hoàn cảnh để thế hệ trẻ noi theo.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội