Bình Đà gắn liền với huyền thoại Quốc tổ Lạc Long Quân
Truyền thuyết Lạc Long Quân kết duyên chồng vợ với Âu Cơ được truyền lại rằng, Thủy tổ của người Việt Nam là Kinh Dương Vương, ngài lấy con gái Thần Long sinh ra một người con duy nhất, đặt tên là Lạc Long Quân. Khi được vua cha truyền ngôi, Lạc Long Quân đổi hiệu là Hùng Hiển Vương. Sau đó ngài kết duyên cùng Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con có tư chất hơn người. Ngài đặt tên và xưng hiệu cho một trăm người con. Một ngày Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau”.
Bởi vậy, sau khi bàn bạc, Âu Cơ và Lạc Long Quân cho người con trưởng ở lại vùng Hy Cương (Phú Thọ) để làm vua. Âu Cơ cùng 49 người con lên núi, men theo dòng sông Thao đến Trang Hiền Lương, ngày nay là xã Hiền Lương - Hạ Hòa - Phú Thọ. Quốc Mẫu Âu Cơ dừng chân ở đó, người dạy dân cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Đến cuối đời người bay về trời người dân từ đó lập đền thờ Quốc Mẫu ở đó. Còn Lạc Long Quân mang 50 người con xuôi về vùng biển khai hóa, lập ấp, lập làng cai quản. Ngài dừng chân, đóng đại bản doanh và sinh sống trên mảnh đất thuộc Bảo Cựu chính là làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội ngày nay, vui sống ở nơi thôn dã, ngài dạy dân cấy lúa, đánh bắt cá và cho 50 người con tản ra các vùng ven biển khai phá miền đất mới.
Cuối đời, Lạc Long Quân hóa thân ở Bình Đà, được các vua Hùng và dân làng an táng, lập đền thờ và mộ của Quốc tổ Lạc Long Quân tọa lạc ở núi Tam Thai, nay gọi là mộ Ba Gò trên đất Bình Đà ngày nay.
Nhằm giáo dục cho con cháu truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, biết ơn Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ – cội nguồn sinh ra dân tộc Việt, người dân Bình Đà ngày 6 tháng 3 âm lịch hàng năm mở lễ hội. Đây cũng là dịp để mỗi người dân Bình Đà, mỗi con dân đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc mình, cùng đồng lòng hiệp lực xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.
Ngọc Linh
NXB Hà Nội