Lễ hội Bình Đà kết nối văn hoá tâm linh với truyền thống uống nước nhớ nguồn
Ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày hội chính của lễ hội làng Bình Đà. Đây là lễ hội cổ truyền từ xa xưa và là một trong những lễ hội lớn nhất trong vùng và cả nước. Lễ hội Bình Đà mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh lập địa, với những tình cảm đó đã nói lên nghĩa tình gắn bó keo sơn, tinh thần đoàn kết đùm bọc lẫn nhau của các dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Với lòng thành kính, từ hàng nghìn năm nay, người dân Bình Đà đã duy trì lễ hội truyền thống với những hình thức thực hành tín ngưỡng độc đáo. Nghi thức thả bánh thánh đặc biệt và thần bí, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo các thế hệ dân cư trong vùng và địa phương khác về dự hội.
Chiếc bánh thánh thả tại giếng Ngọc mang ý nghĩa quan trọng, bởi bánh thánh bánh chìm xuống, đó như là vật lễ tế 100 người con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ theo cha mẹ khai phá những miền đất mới. Đồng thời lễ hội cũng thể hiện niềm tin, nhớ về nguồn cội dân tộc. Tất cả người dân Bình Đà đều tin Đức quốc tổ Lạc Long Quân và Đức Thành hoàng Linh Lang Đại vương sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho dân làng. Còn với những người tham dự lễ hội đều mang tâm tưởng cầu cho phúc thái dân an, mạnh khỏe, sống lâu, lúa tốt, của nhiều, muôn đời sung sướng. Ngay trong chiếc bánh thánh cúng dâng, người dân Bình Đà luôn nghĩ tới sự hài hòa Âm Dương, hòa hợp con người với vũ trụ, biểu hiện ở quan niệm "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống.
Lễ hội truyền thống Bình Đà với nghi thức thả bánh thánh đã thực sự kết nối văn hoá tâm linh với truyền thống uống nước nhớ nguồn đã được lưu truyền hàng ngàn đời nay.
Ngọc Linh
NXB Hà Nội