Vài nét về hệ thống cơ sở thờ tự ở Hà Nội hiện nay
Nhà thờ chính tòa Hà Nội (40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm) được coi là một trong những nhà thờ Chính tòa lâu đời và bề thế bậc nhất. Nhà thờ này do Giám mục Puginier xây từ năm 1882, được khánh thành ngày 24 tháng 12 năm 1886. Nhà thờ dài 55m, rộng khoảng 20m, cao khoảng 20m được xây dựng theo kiến trúc Gothique điển hình. Trần nhà thờ được làm bằng nan tre đan vào với nhau như thuyền nan. Nhà thờ Chính tòa Hà Nội còn nổi tiếng về những bức tranh kính màu. Năm 1886, nhà thờ được trang bị một chiếc đồng hồ lớn và một bộ chuông gồm 4 chuông nhỏ và một chuông lớn.
Nhà thờ Cửa Bắc (56 phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình), khánh thành năm 1931, được coi là nhà thờ tiêu biểu cho phong cách Á - Âu với “hệ thống” mái ngói của nhà thờ nhiều tầng lớp không đều nhau. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều nhà thờ do các kiến trúc sư người Việt trực tiếp thiết kế và xây dựng như nhà thờ Phùng Khoang, nhà thờ Hàm Long… với những vẻ đẹp kiến trúc riêng của nó. Ngoài ra, Hà Nội còn có những nhà thờ được thiết kế theo phong cách Roman với không gian kiến trúc hài hòa với cảnh vật, với những mặt tiền được bài trí hệ thống tượng chúa Giêsu, tượng Đức Mẹ bế Chúa Giêsu, tượng 12 thánh Tông đồ… mà gần một thế kỷ trôi qua vẫn giữ được vẻ đẹp như nhà thờ Thịnh Liệt (kẻ Sét, phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng), nhà thờ Thạch Bích (Kẻ Lõi, xã Bích Hà, huyện Thanh Oai hay nhà thờ Hà Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín)…
Với kiến trúc Phật giáo, ngoài những ngôi chùa nổi tiếng cả nước như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ… ở Hà Nội còn có hàng loạt các ngôi chùa nổi tiếng khác về phương diện nghệ thuật kiến trúc.
Chùa Lý Quốc Sư (50 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm) không chỉ có giá trị lịch sử trên dưới 800 năm thờ danh thần Quốc Sư Minh Không và là một di tích Tam giáo hài hòa mà còn nổi tiếng về phương diện kiến trúc. Chùa Lý Quốc Sư hiện nay vẫn còn giữ được những di vật có giá trị nghệ thuật như cột đá Long Nữ Thiện Tài (thế kỷ XVIII); 4 pho tượng đá mô phỏng hai thiền sư Từ Đạo Hạnh – Giác Hải và hai cụ thân sinh Từ Đạo Hạnh (thế kỷ XVIII). Bên cạnh các di vật bằng gỗ đá, chùa còn có các di vật bằng đồng như bia, chuông, tòa Cửu Long (Phật Thích Ca sơ sinh)… có giá trị cuối thế kỷ XIX.
Chùa Bà Đá (số 3 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm) hay còn gọi là Linh Quang tự được xây dựng từ thời nhà Lý. Qua nhiều lần trùng tu, đến nay giá trị nghệ thuật kiến trúc nổi bật của chùa Bà Đá là vẫn giữ được khá nguyên vẹn hình thức kết cấu kiến trúc Phật giáo cổ, đặc biệt các bộ phận cấu kiện gỗ với nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu như bộ tượng Tam thế Phật, Di Đà Tam tôn, Thích Ca Niêm Hoa… bên cạnh những di vật gỗ chạm như hoành phi, cửa võng, cuốn thư, y môn…
Ngoài những cơ sở thờ tự của các tôn giáo chủ yếu như Công giáo, Phật giáo, Tin lành hay Cao Đài, Hồi giáo, cũng cần lưu ý những cơ sở thờ tự độc đáo khác của Đạo giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian.
Nổi tiếng nhất trong nội thành Hà Nội là đình Yên Thái (số 8 ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm). Đình Yên Thái thờ Ỷ Lan Nguyên phi, nhân vật lịch sử nổi tiếng ở thế kỷ XI-XII. Điểm đáng chú ý trong nghệ thuật kiến trúc của đình Yên Thái là quy mô không lớn nhưng nghệ thuật kiến trúc gỗ đình Yên Thái có những mảng sắc nét (trang trí nhà tiền đình), nghệ thuật chạm khắc tinh tế đặc biệt là phương pháp chạm lộng, chạm bong kênh, chạm thủng… rất có giá trị. Những di vật trong đình Yên Thái cũng thuộc loại quý hiếm. Ngoài giá trị kiến trúc gỗ, còn có các hiện vật đồ giấy (10 đạo sắc); đồ gỗ (2 kiệu gỗ son, 6 hoành phi, 8 câu đối); đồ đồng (chuông đồng đúc năm 1864); đồ đá (2 ngựa đá và 8 tấm bia đá)…
Liên quan đến di tích Đạo giáo, người Hà Nội ai cũng biết đến Đền Quán Thánh (Hồ Tây). Đặc biệt trong lòng phố cổ Hà Nội còn có một số đền cũng rất đáng chú ý như di tích Đền Phù Ủng (thờ Phạm Ngũ Lão, số 25 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm) và nổi tiếng hơn là di tích đền Bạch Mã (76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Đền Bạch Mã được coi là một trong “Thăng Long tứ trấn”. Đền có quy mô lớn, mặt bằng tổng thể bao gồm các công trình kiến trúc trên một trục chính gồm: Nghi môn, Phương đình, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung… Mặc dù một vài hạng kiến trúc hiện nay không còn giữ được, nhưng giá trị nghệ thuật kiến trúc của đền Bạch Mã vẫn gần như được bảo lưu.
Trần Duy
NXB Hà Nội