QUY TỤ VĂN NGHỆ VÌ NIỀM VUI CỘNG ĐỒNG
Đó là một số lần vào dịp hội làng mùng 7 tháng 3 âm lịch và trước đó là đêm Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng, trong không gian rực rỡ đèn lồng khu vực trước cổng chùa Long Đẩu tiếp ra mép hồ, người ta thấy ở khu nhà văn hóa của địa phương bên cạnh chùa có trưng bày cho toàn dân chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp của nhiều nghệ sĩ, tay máy về các danh thắng, các hoạt động đời sống, lao động, sản xuất của người Hà Nội. Đương nhiên, phần quan trọng trong đó là những đề tài không thể thiếu về thiên nhiên, con người xứ Đoài.
Đó còn là những chương trình đọc thơ, ngâm thơ cuốn hút tổ chức trên sân khấu chùa Long Đẩu vào một số đêm Nguyên tiêu, hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam. Tác phẩm là những bài thơ của các tác giả người địa phương, được những giọng ngâm nổi tiếng của Nghệ sĩ nhân dân Hồng Ngát, Nghệ sĩ ưu tú Văn Chương, Nghệ sĩ ưu tú Minh Phương... thể hiện.
Độc đáo nữa, đó là từng diễn ra một cuộc gặp mặt hiếm có giữa các tác giả sáng tác văn chương trong phong trào quần chúng ở Sài Sơn với đông đảo những nhà thơ có tiếng từ nhiều nước trên thế giới về tham dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội vào dịp Nguyên tiêu năm 2012. Hôm đó, sau những ngày tham quan, giao lưu thơ ở vịnh Hạ Long, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, các nhà thơ thế giới được mời về thăm chùa Long Đẩu, chùa Thày, cùng dự bữa cơm chay giản dị dưới chân núi. Nhiều người đã không ngớt lời trầm trồ và khi về nước còn ghi nhớ những giây phút đặc biệt này.
Và không thể không kể đến sự ra đời của Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Sài Sơn đến nay vừa được 5 năm tuổi với đông đảo thành viên là các nhà giáo, cán bộ địa phương, người làm công tác văn hóa... đã nghỉ hưu. Đều đặn, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật với ấn phẩm tiêu biểu của mình: “Núi Thày”, in mỗi năm hai tập. Ấn phẩm đã in được 9 số với hàng ngàn trang, giới thiệu nhiều sáng tác văn, thơ, tư liệu, tranh... của các thành viên câu lạc bộ đã được biếu tặng, chia sẻ tới nhiều câu lạc bộ thơ ca, văn nghệ địa phương khác, được nhiều nơi ghi nhận, khích lệ.
Lại càng phải nhắc đến sự thành lập phường rối nước chùa Thày vào cuối năm 2014 với nòng cốt là các thành viên đội nhạc lễ và một số “nghệ sĩ làng” hăng hái trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Đặc biệt, khi tương truyền từ những trăm năm xưa, riêng đất Sài Sơn này đã có một phường rối, sinh ra từ chính truyền thống diễn xướng rối nước do đức thánh Từ Đạo Hạnh khởi nguồn. Nhưng theo biến đổi của thời gian thì phường rối ấy đã không còn. Thế nên, sự thành lập phường rối hôm nay, dường như cũng chính là sự hiện diện trở lại của bóng dáng rối nước trên tay người Sài Sơn năm xưa.
Lý do nào cho sự xuất hiện, diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện độc đáo và đặc biệt như thế, hòa cùng mạch chảy đời sống văn hóa làng quê Sài Sơn hôm nay, trên nền trầm tích văn hóa trăm năm, nghìn năm qua của đất thiêng núi Thày? Người viết bài này liệt kê lại và càng ngẫm càng thấy trân trọng, cảm phục một nhà tu hành: Thượng tọa Thích Trường Xuân - trụ trì chùa Long Đẩu, ngôi chùa đối diện chùa Thày ở bên này hồ Long Trì, cùng trong quần thể thắng tích núi Sài.
Có thể tạm dùng một cách gọi về vai trò, vị trí của thầy Xuân trong chuỗi các hoạt động trên: Đó là, thầy như chiếc chìa khóa, như một điểm mấu chốt đón nhận, quy tụ và lan tỏa ánh sáng của những tài năng, những tâm hồn văn hóa nghệ thuật. Và có lẽ, phải lý giải bằng những ước nguyện xây dựng, vun bồi đời sống văn hóa đã từ lâu khởi lên trong tấm lòng thầy Thích Trường Xuân, để coi đó như sự thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ không mệt mỏi bên cạnh rất nhiều các việc Phật sự khác mà thầy phải đảm nhiệm, như một vị trụ trì, một giảng viên Phật học, cùng những trách nhiệm khi tham gia Giáo hội Phật giáo Thành phố.
Quê thầy ở làng Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ. Thời thiếu niên và tuổi trẻ của thầy đã qua học hành, tu tập ở chùa quê hương và một số chùa khác tại Hà Nội, trong đó có chùa Hương, thầy Xuân có duyên với đất Sài khi về trụ trì chùa Long Đẩu nhiều năm trước. Chút năng khiếu ca hát và niềm trân trọng nghệ thuật giúp thầy mở thêm từ các công việc quen thuộc của nhà chùa ra những hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt khi những hoạt động đó lại nhằm hướng về địa phương, về người dân sở tại, giúp mọi người có thêm điều kiện thưởng thức sản phẩm nghệ thuật, thêm không gian để sinh hoạt văn hóa.
Miệt mài trong nhiều năm, tại chùa Long Đẩu, thầy gây dựng đội văn nghệ thanh thiếu niên gồm nhiều em ở địa phương. Bây giờ, các bạn trẻ đó chính là nòng cốt biểu diễn múa rồng, thể hiện một số bài ca, bài múa Liên hoa đài, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn... trong một số dịp lễ trọng ở địa phương. Là bạn từ nhỏ, cùng làng với Nghệ sĩ ưu tú chèo Văn Chương, thầy mời bạn giúp trong một số hoạt động, chương trình văn nghệ do nhà chùa tổ chức, được đông đảo công chúng địa phương hưởng ứng. Điều thú vị là nhiều nghệ sĩ khác cũng có mối liên hệ mật thiết với thầy và nhiệt tình vào cuộc khi nhà chùa có việc. Vợ chồng Nghệ sĩ ưu tú Tống Thu Cúc - đạo diễn, tác giả chèo Lương Tử Đức luôn động viên và nhiều lần trao đổi ý tưởng. Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long nhiệt tình tặng hẳn một gánh rối và tặng luôn mấy tháng truyền nghề cho các diễn viên quần chúng ở Sài Sơn khi biết thầy ước muốn thành lâp phường rối nước chùa Thày.
Lại thêm một chút năng khiếu sáng tác thơ, thầy Xuân hiểu và chắp cánh cho hoạt động sáng tác ở Sài Sơn với việc duy trì đều đặn các hoạt động, các ấn phẩm “Núi Thày” của Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật Sài Sơn mấy năm qua mà thầy được trân trọng mời làm chủ nhiệm danh dự. Chính thầy cũng có những bài thơ với ý tưởng độc đáo và ngôn từ trẻ trung, đằm thắm niềm yêu đời được mọi người thích thú. Bài thơ “Những tiếng chuông hồng” của thầy, do chính thầy thể hiện như một tiết mục điểm nhấn trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Nguyên tiêu 2012 là một dấu ấn đẹp trong rất đông khán giả chứng kiến. Những câu thơ “... Chín mươi triệu lồng ngực/ Chín mươi triệu trái tim/ Đồng thanh cùng biển hát/ Vĩnh hằng cho non sông” như ngọn lửa nhen nhóm sự gắn kết và quy tụ của lòng người.
Chưa cần kể thêm rất nhiều các hoạt động từ thiện mà nhà chùa tổ chức, thầy trực tiếp cùng các phật tử mang theo mỳ, gạo, quần áo... đến với đồng bào vùng bão lụt, bệnh nhân trại phong và nhiều đối tượng xã hội khác. Có lẽ riêng về các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật có sự trợ duyên và tham gia trực tiếp của Thượng tọa Thích Trường Xuân như một người khởi xướng, tổ chức, hướng dẫn, lại như một người sáng tác và có khi lại tham gia biểu diễn nữa, người ta đã có thể ngạc nhiên trước một sư thầy nhiệt tình và thiết tha với đời đến vậy. Đương nhiên, ngày càng phổ biến hơn những suy nghĩ của công chúng rằng, tu hành không phải là lánh đời, xa đời mà chính là nghiên cứu giáo lý, rèn tập những phương pháp của tôn giáo mình theo đuổi để giúp cuộc đời, làm an lòng, làm sáng tỏ tâm trí mọi người. Vấn đề thiết thực là nét độc đáo và hiệu quả thể hiện ở việc nhà tu hành áp dụng các phương thức và triển khai như thế nào thôi. Với thầy Xuân, có lẽ chính văn hóa, văn nghệ đã trở thành một phương tiện quan trọng và hữu ích để thầy hành đạo, để phấn đấu đem niềm vui, sự an lành cho mọi người.
Tất nhiên, để thực hiện được những hoạt động như thế, với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng ở địa phương, thật không phải dễ. Nhất là khi nhà chùa không phải nhờ đến sự hợp tác của các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông, mà mọi việc về tổ chức, lên lịch hoạt động, trang trí, điều hành chương trình... đều do Thượng tọa Thích Trường Xuân và các bạn văn nghệ sĩ cùng các phật tử trẻ thực hiện. Về việc này, thầy có quan niệm rất mở, đó là phải học, phải lĩnh hội được phương pháp tổ chức, điều hành và phát triển các ý tưởng các kế hoạch... thì mới làm tốt được. Thế nên nhiều năm trước, thầy đã đi học một khóa tổ chức sự kiện tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Chính khóa học này ngoài việc bổ sung kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm... còn giúp thầy có thêm những người bạn mới đang công tác trong trường. Và khi có dịp, thì họ lại tùy duyên mà đến với thầy, đến với chùa, và rộng hơn, là đến với người dân và đời sống văn hóa đất Sài Sơn. Qua chính những lần tổ chức hoạt động, những cuộc tiếp xúc với bạn văn chương, bạn nghệ sĩ, người viết bài này biết rằng, chính thầy Xuân lại luôn tiếp tục học hỏi, tích lũy từ thực tế, từ những người làm nghề chuyên nghiệp.
Có điều, học tập tích lũy, phát huy những mối liên hệ mới vào công việc phật sự, việc văn hóa ở địa phương đấy, nhưng không gì thay được sự cởi mở và chân thành của Thượng tọa Thích Trường Xuân. Đó là yếu tố quyết định để các hoạt động thầy khởi xướng có sự chung vai gánh vác và diễn ra suôn sẻ. Nhiều người quý trọng thầy bởi sự hòa nhã, thong thả trong tư thế một người đang tích cực làm việc, đang tiếp tục thực hiện một kế hoạch nào đó để phục vụ cộng đồng. Và lúc nào gặp thầy, người ta lại nghe một ý tưởng mới, một đề xuất mới, để rồi nhiều bàn tay lại cùng hoan hỷ góp sức vào như một trách nhiệm, một niềm vui chung.
Nguyễn Quang Hưng