Nghệ thuật dân gian Việt Nam mang đậm nét yếu tố sông, biển
Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam, trước cảnh sông nước mênh mông của vùng đồng bằng sông nước Nam Bộ, người dân đã sáng tác nên những điệu hò, điệu lý, thể hiện tình yêu với non sông đất nước và thể hiện tình yêu lứa đôi giữa sóng nước, mây trời bao la. Những điệu hò bá trạo, hò kéo thuyền của cư dân vùng sông Mã đã tạo nên những nét đặc sắc của ngư dân vùng Thanh Hóa. Múa rối nước, một loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo có nguồn gốc từ làng quê đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh chú tễu, cô thôn nữ, người nông dân đang cày ruộng, những con thú, con rồng, phượng trong các truyền thuyết, thần thoại dân gian. Ở rất nhiều làng quê Bắc Bộ có xây thủy đình giữa ao làng và đó là sân khấu trình diễn của các nghệ nhân dân gian. Dù phải ngâm mình trong nước giá lạnh nhưng tình yêu nghệ thuật và niềm cảm hứng sáng tạo đã giúp họ trình diễn thành công những vở kịch rối mang dậm hồn quê, chứa đựng triết lý giáo dục, khuyên con người sống có đạo lý, có tình nghĩa trước sau. Dòng sông Cầu, sông Thương ở vùng Kinh bắc là nơi diễn ra các buổi diễn quan họ của các liền anh, liền chị trong mùa lễ hội đầu xuân. Trên dòng sông hiền hòa, các con thuyền sóng đôi và tiếng hát lời ca quấn quýt, hòa quyện, lan tỏa. Những làn điệu dân ca quan họ da diết, tin tế đã dệt nên một bức tranh quê tuyệt đẹp, khiến chúng ta dù đang phiêu bạt ở nơi chân trời góc biển nào cũng muốn trở về quê hương để thỏa nỗi niềm mong nhớ.
Dòng sông và biển cả quê hương là cái nôi nuôi dưỡng mỗi chúng ta khôn lớn, là nơi để chúng ta nhớ thương và cảm nhận về tình yêu và số phận con người. Trong mỗi trái tim và khối óc của người dân Việt Nam luôn có sóng và gió của sông, biển quê hương, luôn có cảm nhận về thời gian và không gian qua mỗi mùa nước nổi tràn bờ…
Trần Duy tổng hợp