Đặc điểm triết lý tư tưởng của người Việt
Từ trong văn hóa Đông Sơn, thông qua các hình trang trí trên trống đồng Đông Sơn hoặc các tượng người, tượng trên cán dao găm làng vạc, người Việt cổ đã thể hiện nhận thức sâu sắc của mình về thế giới tự nhiên. Có thể hiểu một cách bao quát nhất: Dương là yếu tố bên trên, là mặt trời, là vua, là cha. Âm là yếu tố bên dưới, là đất, là hoàng hậu, là mẹ. Nhìn vào trống đồng Đông Sơn, chúng ta có thể nhận ra sự chạm khắc hình mặt trời có nhiều tia trên mặt trống và xung quanh đó là những vòng tròn đồng tâm có chạm khắc hình một số loài chim (chim hạc), thú (hươu…) chuyển động ngược chiều kim đồng hồ: Mặt trời ở giữa là dương, còn các con vật xung quanh là âm. Có mặt trời chiếu sáng thì muôn loài mới tồn tại và phát triển, Trên mặt trống đồng Đông Sơn có chạm khắc hình chim - hình cá hoặc hình hươu - hình bồ nông, đó là những hình ảnh tương phản của thế lực trên trời và thế lực dưới nước, thế lực vùng cao với thế lực vùng trũng. Phía trên con thuyền Đông Sơn có hình ảnh con chim đang lao xuống con thuyền, đó vừa là họa tiết mô tả cảnh sinh hoạt của cư dân trên sông nước, vừa phản ánh sự tương hỗ, tác động của thế lực bên trên (trời) đến thế lực bên dưới (đất, nước).
Do đặc điểm lao động sản xuất nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hay đánh bắt cá đi rừng săn bắn đều luôn luôn bấp bênh, may rủi, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong tự nhiên nên đã dần hình thành theo thời gian triết lý hài hòa giữa vũ trụ với trái đất và con người. Muốn đạt được sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân, con người phải tìm cách ứng xử đúng mức với trời, với đất và với chính bản thân mình và các thành viên trong cộng đồng gia đình, xã hội. Chính vì vậy, sự hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân là ước mơ của con người hướng tới, nhưng có nhiều cách khác nhau để đạt sự hài hòa đó: Có thể bằng con đường sáng tạo, con đường khoa học - kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất phát triển , nhưng cũng có thể bằng yếu tố tinh thần, tâm linh, hoặc bằng cách phải hạn chế những bất cập, phát triển quá nóng, không hài hòa với phần còn lại của tự nhiên và xã hội.
Trần Duy tổng hợp