Vô cảm - Căn bệnh trầm kha trong cơ thể xã hội
Dường như sự yêu thương, đồng cảm đang phải gồng mình chống lại sự ích kỷ, thực dụng. Chúng ta đều có thể bắt gặp sự vô cảm đến lạnh lung ở đâu đó trong đời sống, trong cung cách ứng xử của con người đối với con người. Chúng ta thật sự đau lòng vì sự vô cảm như những tế bào độc đang tồn tại trong cơ thể xã hội.
Trong thực tế cuộc sống, không thiếu người tốt và cũng không thiếu việc tốt. Hiện thân của lòng nhân ái, cử sự thánh thiện ở khắp mọi nơi. Nhưng bên cạnh đó, còn tồn tại quá nhiều biểu hiện vô cảm, trong khi cái tốt, sự thánh thiện dường như đang mai một, bị lép vế.
Theo nhiều nhà xã hội học, vô cảm chính là biểu hiện xuống cấp về đạo đức, khi con người ta chỉ biết đến những cái có lợi cho mình, những chuyện không phải của mình thì không cần quan tâm. Có người cho rằng sự vô cảm là mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ sự xuống cấp về giáo dục và những tác động của chủ nghĩa vật chất thực dụng đã làm đảo lộn các giá trị truyền thống. Có thể nói vô cảm là căn bệnh trầm kha của xã hội hiện nay, khi con người ngày một ích kỷ, chỉ nghĩ tới bản thân mình. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác”. Biểu hiện cơ hội, sự lệch lạc của tư duy đã có từ rất lâu trong đời sống nhân gian. Ca dao, tục ngữ thể hiện rất rõ nếp nghĩ và lối hành xử của không ít người như: Mượn gió bẻ măng; Gió chiều nào che chiều ấy; Qua sông nên phải lụy đò; Ăn cơm đi trước, lội nước theo sau… Như vậy tính ích kỷ, thói cơ hội chính là “cha đẻ” và là “bạn đồng hành” của thói xấu và cái ác. Trong bối cảnh làng xã ngày xưa, khi con người phải hợp sức vật lộn cùng thiên tai, giặc dã nên “tối lửa tắt đèn có nhau” và chính mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ ấy đã tạo nên sức mạnh xua đuổi cái ác. Trong xã hội hiện đại, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, tính cộng đồng mất dần cùng tiến trình đô thị hóa. Thêm nữa, cái tôi cá nhân được đề cao trong bối cảnh mà nền tảng đạo đức truyền thống đang bị xô đẩy trước những luồng gió độc của lối sống thực dụng - “chủ nghĩa vật chất” đã khiến nhiều người chỉ biết đến chính mình và sống cho chính mình.
Vô cảm là thứ tế bào độc đang ăn mòn cơ thể xã hội, để những tế bào độc đó không còn khả năng phát tác, chúng ta phải giải quyết hàng loạt vấn đề, trên nhiều bình diện, từ vĩ mô là những quy định pháp luật, để điều chỉnh toàn xã hội đến những việc cụ thể của mỗi nhà trường, mỗi gia đình với hướng đến chuẩn mực đạo đức và phát triển lành mạnh. Trong mỗi con người đều có sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái cao thượng và thấp hèn. Khi chúng ta làm được nhiều điều tốt thì thắng lợi của cuộc đấu tranh đó nghiêng về cái thiện và bệnh vô cảm sẽ dần bị hạn chế.
Trần Duy tổng hợp