Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Thủ đô công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Như chúng ta đã biết, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô không đặt trong bối cảnh sôi động, tập nập như hiện nay nhưng là những vấn đề cơ bản về quan điểm, định hướng và gợi mở những giải pháp mang tính bản lề có dấu ấn thời đại, khi chuyển từ chế độ chính trị xã hội thực dân, phong kiến sang thể chế chính trị mới của dân, do dân và vì dân.
Sau khi giành chính quyền, vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, trong bối cảnh nửa nước hòa bình, nửa nước còn chiến tranh, câu hỏi đặt ra khi đó là làm thế nào đưa đất nước tiến theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội? Phát triển kinh tế bằng con đường nào để minh chứng cho “tính hơn hẳn” của ché độ mới so với chế độ thực dân, phong kiến trước đó? Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã tìm ra lời giải bài toán cho đất nước và Thủ đô Hà Nội lúc đó (và cả hiện nay) chính là phải tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện địa hóa nền kinh tế. Không khí xây dựng đất nước trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) ở miền Bắc và Thủ đô Hà Nội mang dấu ấn là “công trường của chủ nghĩa xã hội” vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ.
Hồ Chí Minh không bàn luận có tính “chuyên đề” về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng những gì chúng ta tiếp cận trên đây cho thấy nổi lên những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, suy ngẫm, kế thừa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước hiện nay:
- Công nghiệp hóa phải nằm trong chiến lược phát triển của Thủ đô và quốc gia, đáp ứng như cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Muốn công nghiệp hóa thành công phải có tầm nhìn chiến lược về quy hoạch hợp lý, phù hợp với điều kiện của Thủ đô và đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và bối cảnh của thời đại mới.
- Công nghiệp hóa phải được coi trọng phát triển như thúc đẩy nông nghiệp và các thành phần kinh tế - xã hội khác phát triển.
- Học hỏi, kế thừa những thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại để đầu tư cơ sở vật chất (xây dựng nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…) và đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển.
- Coi trọng, chăm lo đời sống của người lao động là yếu tố quan trọng để phát triển, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội một cách bền vững.
- Tổ chức thi đua nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm là yêu cầu và nhiệm vụ thường xuyên có ý nghĩa đối với sự phát triển của các cơ sở công nghiệp.
- Không ngừng cải tiến và nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo điều hành hoạt động sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp; tạo điều kiện để công nhân tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng quản lý cùng với cán bộ trong các cơ sở công nghiệp.
Tư tưởng, bài học của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên đây đối với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đối với các tập đoàn kinh tế công nghiệp, độc lập hay liên doanh là rất bổ ích. Đó là những vấn đề then chốt có tính nền tảng để kế thwuaf, phát triển và vận dụng linh hoạt vào điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước hiện nay.
Ngô Duy tổng hợp