Trận địa chợ Đồng Xuân chống Pháp oanh liệt những ngày đầu toàn quốc kháng chiến
Ngược dòng lịch sử, cách đây 70 năm, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp quyết tâm quay trở lại cướp nước ta một lần nữa. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân ta; thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Đáp “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nêu cao ý chí quyết tâm sắt đá chống giặc, giữ nước với niềm tin tất thắng. Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu oanh liệt tại nhiều con phố, khu chợ trên toàn thành phố. Chợ Đồng Xuân là ngôi chợ lớn nhất Hà Nội, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Cổng chợ nhìn sang phía tây, phía trước là một khoảng trống nhỏ. Phía Bắc có quán Huyền Thiên - sau đổi thành chùa Huyền Thiên. Đây là di tích trận địa chống Pháp của Liên khu I Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946-1947). Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, cùng với những hoạt động kỷ niệm của nhân dân Hà Nội, chúng ta hãy cùng ôn lại những thời khắc lịch sử oanh liệt của nhân dân Hà Nội tại đây cách nay 70 năm.
Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946 quân dân Hà Nội đã cùng toàn dân đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu quốc.
Và sáng ngày 21, 22, 23, 24 tháng 12 năm 1946, Pháp đã huy động lực lượng với nhiều vũ khí tối tân và cơ giới, chiếm được Cửa Nam, Công an Hàng Trống, Trụ sở Quốc hội, Toà Thị Chính, Bưu điện, Cầu Long Biên, Nhà hát Lớn và khu vực Nhà hát Lớn. Rồi đến cuối tháng 12, địch phá vỡ các vòng vây của ta ở các cửa ô và đại bộ phận nội thành, trừ Liên khu I.
Tại Liên khu I, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng gay go ác liệt. Từ 26/12/1946 đến 4/2/1947, giặc Pháp đã nã pháo suốt ngày đêm vào các phố Hàng Vải, Hàng Bún, Hàng Bông, Hàng Gai…
Đến sáng ngày 14/02/1947, giặc Pháp mở đợt tấn công lớn vào tiểu khu Đồng Xuân thuộc Liên khu I. Theo trung tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy mặt trận Hà Nội, thì giặc Pháp tập trung hơn 400 quân và hàng chục xe cơ giới các loại bao vây tiến hành đánh chợ Đồng Xuân với ý định sau đó sẽ thọc thẳng vào trung tâm chỉ huy Liên khu I. Ngày 11, 12, 13 tháng 2 năm 1947, giặc Pháp cho máy bay ném bom bắn phá liên tiếp vào khu chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Mắm…
Mờ sáng 14/2, máy bay địch lại tiếp tục ném bom, bắn phá; pháo binh, súng cối của địch bắn liên tiếp vào chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh. Khi xe tăng địch tiến vào trong chợ, quân ta từ các quầy hàng, lừa cho xe tăng địch đi qua, bộ binh địch vừa tới, thì xông ra đánh giáp lá cà. Phút chốc, trong chợ diễn ra những cuộc vật lộn vô cùng ác liệt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuốn hồi ký Chiến đấu trong vòng vây đã tổng kết: “Trận đánh chỉ ngừng lại khi xẩm tối, số quân địch thương vong lên tới gần 100, 3 xe bọc thép bị ta phá huỷ. Bên ta 15 người hy sinh, 19 người bị thương”.
Trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của chúng ta trong 2 tháng đầu kháng chiến ở Thủ đô và cũng là trận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Liên khu I Hà Nội.
Chợ Đồng Xuân là một di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu ở Thủ đô. Chợ được xây dựng 1890, đến năm 1980 được đập đi để xây dựng chợ Đồng Xuân mới 2 tầng và đến năm 1994 chợ bị cháy, sau đó được xây lại 3 tầng như hiện nay.
Tuy hiện vật liên quan đến trận chiến đấu ngày 14/02/1947 tại chợ Đồng Xuân không còn gì nhưng tấm biển đá gắn trên tường phía trước chợ đã ghi: “Ngày 14 tháng 2 năm 1947, các chiến sĩ Thủ đô đã anh dũng chiến đấu giáp lá cà tiêu diệt giặc Pháp trong cuộc tấn công của chúng vào chợ Đồng Xuân, 100 tên địch đã bị chết và bị thương, 4 xe tăng địch bị phá huỷ”. Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô (10/10/2004), tấm phù điêu được xây dựng mang tên “Hà Nội mùa đông năm 1946”, có chiều cao 5,7m, rộng 4,4m, bằng bê tông cốt thép, được dựng ở phía tây bắc chợ Đồng Xuân đã phần nào làm sống lại những giờ phút lịch sử ác liệt của cuộc chiến đấu tại chợ Đồng Xuân tháng 2/1947.
Linh Khánh