Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội
Tranh Hàng Trống là sản phẩm nghệ thuật của dân gian, được sản sinh do nhu cầu tinh thần của xã hội, thích ứng với từng giai đoạn lịch sử của kinh đô Thăng Long xưa, dòng tranh này đã lớn dần, phát triển phong phú và đa dạng theo năm tháng cùng với điều kiện văn hóa, chính trị, kinh tế của cư dân kinh đô.
Tranh Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu ở miền Bắc nước ta: tranh điệp Đông Hồ ở Bắc Ninh; tranh đỏ Kim Hoàng ở Hà Tây cũ và tranh Hàng Trống ở Hà Nội. Khác với hai dòng tranh kia, tranh Hàng Trống chủ yếu dùng màu phẩm đơn sắc có pha nước tạo độ đậm, nhạt khác nhau. Ván khắc tranh dân gian Hàng Trống được khắc bằng dao trổ với đường nét khá tinh vi, tỉ mỉ. Bố cục tranh phóng khoáng, đa dạng và thoải mái trong tạo hình chi tiết. Tranh không chỉ vận dụng thuyết âm dương - ngũ hành mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là phạm trù đạo đức (trung, hiếu, tiết, nghĩa,, nhân, trí, dũng…). Phương châm “Văn dĩ tải đạo” không những được thể hiện trong văn nghiệp của người xưa mà còn được quán triệt trong phương châm sáng tạo mỹ thuật của nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội, thể hiện rõ “Đạo của cuộc đời” hàm chứa cả những nguyên lý triết học, thẩm mỹ của tam giáo Phật, Đạo, Nho hợp nguồn trong nền văn hóa dân tộc, đã nuôi dưỡng thần, khí văn nghệ của ông cha ta hàng ngàn năm qua, phục vụ cho ý tưởng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội đương thời, mang tính nhân văn cao cả.
Khác với các dòng tranh dân gian khác, tranh dân gian Hàng Trống tiếp nhận tinh hoa văn hóa -nghệ thuật của nhân loại. Tranh dân gian Hàng Trống không phải sự sao chép tranh Trung Quốc như một số người ngộ nhận, mà là sự tiếp nhận có chọn lọc, có sáng tạo để thể hiện rõ giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống đã tiếp nhận những yếu tố nghệ thuật hiện thực của nền nghệ thuật tạo hình phương Tây thông qua nghệ thuật hội họa Pháp đầu thế kỷ XX, để sáng tác nên các tác phẩm nghệ thuật cho dân tộc Việt, có tính cách tân rõ rệt mà vẫn giữ gìn được bản sắc riêng. Tiếp nối họ là các thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam được trau dồi kiến thức vững chắc về mặt nghề nghiệp, từ khi có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội.
Trên lĩnh vực văn hóa phi vật chất, việc tiếp thu và phát huy tinh hoa của nền văn hóa ấy không phải dễ dàng. Cần phải có nghiệp vụ, sáng suốt và công bằng để tiếp thu và truyền thụ tinh hoa của nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc với tư cách là các di sản.
Ngô Duy tổng hợp