Cự Đà - Làng Việt cổ của Hà Nội
Cự Đà có tên cổ là Ngô Khê, nằm dọc bên dòng sông Nhuệ Giang, vốn là một làng thuần nông nhưng với địa thế thuận đủ bề để Cự Đà phát triển hơn nhiều làng khác. Từ lâu Cự Đà đã trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập. Nơi đây tìm thấy nhiều di vật kiến trúc từ thời Hán cách nay khoảng gần 2000 năm minh chứng cho việc tụ cư lập làng từ rất sớm của các dòng họ như Đinh, Trịnh, Vũ, Nguyễn, Vương,… Đặt tên là “ Làng cổ Cự Đà” cũng bởi từ thế kỷ XVII dân làng đã cư trú thành thôn, xã, huyện. Cây cột đã Thiên Đài trụ đặt giữa sân chùa Linh Minh có khắc đủ chữ tên làng, xã, huyện, phủ của nơi đây. Đặt tên “Làng Cự Đà cổ” bởi nơi đây sau 30 năm chiến tranh và bao thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại một làng có nhà ngói san sát, kiến trúc đủ các kiểu từ Việt cổ đến kiểu biệt thự kiến trúc Pháp. Đặt tên như thế bởi tại làng còn đó những di tích lịch sử đình, miếu, chùa, nhà Thọ từ, Trường Âu Ấu học đường, bến sông có ngọn “hải đăng” đêm đêm soi đường cho thuyền cập bến và nhiều phong tục tập quán hương ước lệ làng đã ngấm vào nếp sống. Đặt tên như thế bởi người ta tìm thấy ở làng những di sản của những năm cuối thế kỷ XIX - một làng cổ kính đông đúc, sầm uất, có nhiều bước phát triển nhanh đầu thế kỷ XX. Cho đén nay, cách tổ chức về họ hàng ở làng vẫn còn chặt chẽ, con em người làng Cự Đà đi các nơi phát triển kinh tế đều lấy chữ Cự làm bảng hiệu. Một thời mà những người con của Cự Đà đã có công kiến thiết xây dựng quê mình vượt lên cái nghèo mà làm giàu.
Cự Đà nổi tiếng với hai nghề còn tồn tại đó là làm tương và chế biến bột dong riềng làm miến. Ngày xưa làm miến theo kiểu “tráng bánh cuốn” thủ công nên người sản xuất rất vất vả, nay làm bằng máy móc, mọi việc nhẹ hơn nhiều. Đã từ xa xưa ai cũng biết đến tương Cự Đà qua câu ca:“ Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương./ Cách sông, cách nước thì thương/ Cách quê, cách quán nhớ tương Cự Đà.” Nước tương Cự Đà thường có vị ngọt đậm, khác với nước tương ở các vùng quê khác.
Ngày nay, làng Cự Đà đang thay áo mới, vẫn là ngôi làng bám theo sông Nhuệ nhưng những ngôi nhà cao tầng với phong cách tây hơn đã dần thay thế những ngôi nhà Việt cổ. Theo quy luật những người dân làng không còn mặn nồng với nghề cổ truyền làm tương, làm miến. Xưa nay, các “quan viên xã Cự” vốn có chí làm giàu, nay trong hoàn cảnh đổi thay liệu họ còn có chí làm nên những việc để đời cho mai sau?
Trần Duy tổng hợp