Những ngày đầu Hà Nội anh dũng đứng lên kháng chiến chống Pháp
20 giờ 30 phút trong đêm ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy. Đèn điện trong thành phố vụt tắt, đó cũng là hiệu lệnh chiến đấu. Cả thành phố rung chuyển. Từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh pháo ta bắn vào các vị trí trong thành và một số nơi khác của Pháp. Các lực lượng Vệ quốc quân, công an, tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí giặc theo kế hoạch đã phân công.
Bộ đội giật bom phá cầu Long Biên, làm hỏng đường sắt. Tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột đèn. Nhân dân các phố quẳng các kiện hàng, khênh bàn, tủ, giường, ghế làm ụ cản đường. Các trục đường giao thông chính trong thành phố bị chặt đứt nhiều đoạn. Hàng vạn đồng bào các khu phố tình nguyện chiến đấu bên cạnh lực lượng vũ trang. Bà con ngoại thành nổi trống liên hồi từ làng này sang làng khác gây thanh thế tiếp ứng cho nội thành. Ngay đêm 19/12/1946, tỉnh ủy Hà Đông phát động “tiêu thổ kháng chiến”. Hàng chục cây số đường sắt trên tuyến Đường 1, đường tàu điện Hà Nội - Hà Đông bị bóc dỡ. Hàng nghìn dân công các huyện tham gia tiêu thổ kháng chiến dọc các tuyến đường giao thông.
Cả Hà Nội đã anh dũng đứng lên kháng chiến cứu nước. Địch bị giáng một đòn bất ngờ. Qua cơn choáng váng lúc đầu, chúng lập tức phản kháng quyết liệt, tung quân từ trong thành ra mở đường ứng cứu các vị trí đang bị quân ta tiến công và chiếm giữ, những đầu mối giao thông huyết mạch: cầu Long Biên, ga Hà Nội… đồng thời tiến công các cơ quan trọng điểm của ta như Bắc Bộ phủ, trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hàng Bài, trụ sở Ủy ban hành chính Hà nội ở Bờ Hồ, Sở Chỉ huy tự vệ Hà Nội ở nhà Đấu Xảo…
Ngày 20/12/1946, diễn ra trận đánh lớn nhất trong những ngày đầu kháng chiến ở Bắc Bộ phủ (trung tâm Thành phố). Trong trận này, chiens sĩ ta vừa chặn giặc vừa hát bài “Diệt phát xít”. Sau một đem và một ngày tấn công, địch chiếm được Bắc Bộ phủ nhưng chúng cũng phải trả giá đắt: 12 lính Lê dương bị diệt cùng nhiều xe cơ giới bị phá. Bên ta 45 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Hết ngày 21/12/1946, thực dân Pháp không mở được trận đánh tập kích nào lớn, trong khi đó quân dân ta vẫn liên tiếp tấn công chúng ở Staike, nhà Deléveaux, nhà ga Hà Nội, nhà dầu Shell, ô Yên Phụ, nhà in IDEO, Cửa Bắc…
Từ sau ngày 21/12/1946, các lực lượng vũ trang của ta chiến đấu ở Liên khu phố I kiên quyết trụ lại ở trung tâm thành phố chiến đấu trở thành các chốt thép giữa lòng địch ghìm chân chúng lại. Các lực lượng chiến đấu của ta ở Liên khu phố II và III lui ra bám chắc các cửa ô, dựa vào ngoại thành tạo nên một vành đai vây hãm giặc, phối hợp tác chiến với Liên khu phố I, thực hiện trong ngoài cùng đánh làm cho kế hoạch “Chiến tranh chớp nhoáng” của Pháp bước đầu bị phá sản. Từ đây đánh dấu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp của quân dân ta.
Ngô Duy tổng hợp