Vài nét về báo chí Thủ đô giai đoạn 1954 -1965
Sau mốc son lịch sử chói lọi 10/10/1954 Giải phóng Thủ đô khỏi ách xâm lược của Đế quốc Pháp, ngày 11/10/1954, báo Thời Mới số 1 của Thủ đô được phát hành ngay sau ngày miền Bắc giải phóng một ngày. Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội chính thức được thành lập ngày 14/10/1954, bốn ngày sau Giải phóng Thủ đô - sau ngày Hà Nội được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản, khi đó chỉ có chức năng phát thanh. Trong thời gian này, báo chí Thành phố chủ yếu tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phục vụ ổn định tình hình, khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa.
Chế độ thuộc địa, mà trực tiếp nhất là cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã để lại những hậu quả và tàn tích nặng nề cho Thủ đô sau giải phóng. Thủ đô Hà Nội quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở hạ tầng thấp kém… Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô bước vào thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội - một sự nghiệp mới mẻ với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn. Đó là cuộc cách mạng toàn diện vô cùng gian khổ, chưa có tiền lệ trong lịch sử Thủ đô nhằm cải tạo chế độ xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới, mang lại phồn vinh, hạnh phúc, tự do thực sự cho nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của báo chí và hệ thống phát thanh có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.
Ngày 16/2/1957, Thường vụ Thành ủy Hà Nội thông qua Nghị quyết 93-NQ/ĐBHN “Về việc xuất bản báo hàng ngày ở Thủ đô” làm công cụ đấu tranh của Đảng bộ; phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; biểu dương gương tốt, phê bình cái xấu trong đời sống. Ngày 24/10/1957 báo Thủ đô ra số đầu tiên, in đen trắng, khổ 30x40cm. Đó là tiền thân của báo Hànộimới.
Ngày 23/6/1958, Thành ủy ra Nghị quyết số 162/NQ-ĐBHN cho phép mở rộng khuôn khổ báo Thủ đô lên cỡ 32,5x47cm, 4 trang. Tiếp đó, ngày 9/12/1958, Thành ủy ra Thông tư số 22/TT-ĐBHN “về việc hợp nhất hai tờ báo Thủ đô và Hà Nội hàng ngày” thành báo của Thủ đô Hà Nội. Báo Thủ đô Hà Nội là tờ báo chính thống của Đảng bộ Hà Nội ra đời nhằm truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh mọi mặt đời sống. Ngày 1/1/1959, báo Thủ đô Hà Nội ra số 1, in 4 trang khổ 40x60cm. Cùng với các báo của Trung ương: Nhân dân, Quân đội nhân dân, báo Thủ đô Hà Nội và đài Truyền thanh Hà Nội đã trở thành phương tiện góp phần quảng bá sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Ngày 8/5/1961, Thành ủy ra Thông tư số 10/TT-ĐBHN “Về việc nâng cao chất lượng và đẩy mạnh phát hành báo Thủ đô Hà Nội”. Ngày 27/12/1965, Thành ủy ra Chỉ thị số 51/CT-ĐBHN “Về việc cải tiến báo Thủ đô Hà Nội đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới”. Từ đầu năm 1961, báo Thời mới thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (là 1 trong 6 tờ báo của mặt trận)… Đến đầu năm 1968, báo Thời mới và báo Thủ đô Hà Nội hợp nhất ghép tên hai tờ báo thành tên báo Hànộimới (tên báo Hànộimới là do Bác Hồ đặt). Báo Hànộimới số 1 ra ngày 25/1/1968.
Đó là những nét khái quát về báo chí Thủ đô trong 11 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô. Từ đó đến nay, trong công tác chỉ đạo định hướng và quản lý báo chí Thủ đô cũng như công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa nói chung đã góp phần thiết thực nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Ðảng và sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố và cả nước.
Bích Vân sưu tầm, tổng hợp.