Hình ảnh báo chí Thủ đô trong quá trình đổi mới, phát triển
Trước đây, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội chỉ sản xuất và phát sóng 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình, đến nay, Đài đang thực hiện phát 8 kênh phát thanh trong đó có 3 kênh phát thanh quảng bá và 5 kênh phát thanh trên hệ thống truyền hình trả tiền (PayTV); phát sóng 2 kênh truyền hình quảng bá (H1, H2) và 69 kênh trên hệ thống truyền hình cáp (trong đó có 25 kênh truyền hình kỹ thuật số có độ nét tiêu chuẩn, và 12 kênh truyền hình số độ phân giải cao). Định kỳ hàng tháng, Đài còn phát hành 01 số tạp chí: Truyền hình Hà Nội.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô và đất nước, trong suốt chặng đường 60 năm qua, báo chí Hà Nội đã có nhiều thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Từ lúc ban đầu chỉ có 02 cơ quan báo là: Hànộimới (sáp nhập từ 02 tờ báo: Thủ đô Hà Nội và Thời Mới) và Đài Truyền thanh Hà Nội và 01 tờ tin Phim Mới (tiền thân của báo Màn ảnh và Sân khấu); đến nay, Hà Nội đã hình thành một hệ thống với 24 cơ quan báo chí (01 Đài phát thanh - truyền hình, 13 báo in, 09 tạp chí chuyên ngành). Hệ thống báo in của Hà Nội (13 cơ quan báo in xuất bản 26 ấn phẩm) gồm: Hànộimới; Kinh tế & Đô thị; Lao động Thủ đô; Phụ nữ Thủ đô; Tuổi trẻ Thủ đô; Người Hà Nội; An ninh Thủ đô; Pháp luật & xã hội; Màn ảnh và Sân khấu; Thể thao ngày nay; Thời báo doanh nhân; Cựu chiến binh Thủ đô; Quốc phòng Thủ đô; 10 tạp chí chuyên ngành: Tản Viên Sơn; Thăng Long - khoa học công nghệ; Giáo dục Thủ đô; Người Thành thị; Phái đẹp; Thương gia; Hàng hóa & thương hiệu; Tinh hoa đất Việt; Golf; Trí thức và phát triển; 03 báo điện tử: Hànộimới điện tử, Kinh tế & Đô thị điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, Lao động Thủ đô điện tử và 7 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí (đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội và các báo: Người Hà Nội, Pháp luật xã hội, An ninh Thủ đô, Màn ảnh & Sân khấu, Thể thao ngày nay, Thời báo doanh nhân).
Tổng số lao động tại các cơ quan báo in của thành phố Hà Nội là 769 người, trong đó 55% là phóng viên và biên tập viên (chiếm 3% tổng số nhà báo cả nước), 77% lao động có trình độ đại học và trên đại học, 8% lao động có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 46% lao động tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, 34% lao động là đảng viên. Đài PT&TH Hà Nội có 645 lao động, trong đó số lượng cán bộ, viên chức là 453; trên 80% lao động của Đài có trình độ đại học và trên đại học, trên 30% lao động có trình độ đại học chuyên ngành báo chí; trên 50% lao động có trình độ về lý luận chính trị từ trung cấp trở lên(1)
Các cơ quan báo chí đều hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, tự đảm bảo 100% hoặc một phần chi phí. Doanh thu của các cơ quan báo chí bao gồm nguồn ngân sách Thành phố cấp. Các nguồn thu khác gồm: phát hành, quảng cáo, tài trợ…
Những năm gần đây, do khó khăn của nền kinh tế nói chung, báo chí Thủ đô đều sụt giảm số lượng phát hành (trung bình giảm từ 30-60%) dẫn đến giảm quảng cáo, doanh thu, cộng với việc phải tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động, khiến các cơ quan báo chí càng gặp nhiều khó khăn. Do khó khăn về tổ chức và phát hành, ba ấn phẩm phụ của báo chí Thành phố đã tạm ngừng xuất bản là: Thế giới Nghệ sĩ (số hằng tháng) của báo Màn ảnh và Sân khấu và phụ trương Nhà đất (số hằng tháng) của báo Lao động Thủ đô. Thời báo Doanh nhân phải giảm kỳ xuất bản từ 02 kỳ/tuần xuống 01 kỳ/tuần, Thể thao Ngày nay giảm từ 06 kỳ/tuần xuống 01 kỳ/tuần, Màn ảnh và Sân khấu phải giảm từ 03 kỳ/tháng xuống còn 01 kỳ/tháng.
Về cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động nghiệp vụ của các báo: do có sự quan tâm của Thành uỷ, UBND Thành phố và các cơ quan chủ quản, cùng với nguồn lực của cơ quan báo chí, đã có sự cải thiện đáng kể. Về cơ bản, các cơ quan báo chí đều đã được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp và quy trình làm báo tương đối hiện đại. Nhiều cơ quan báo chí Thành phố đã kịp thời đầu tư phát triển theo hướng công nghệ hiện đại, cung cấp ấn phẩm báo điện tử, cung cấp nội dung thông tin trên hạ tầng mạng Internet, hạ tầng mạng thông tin di động. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đang thực hiện lộ trình số hóa các chương trình phát sóng, một số chương trình đã thực hiện phát sóng trên vệ tinh…
Về cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động nghiệp vụ của các báo: do có sự quan tâm của Thành uỷ, UBND Thành phố và các cơ quan chủ quản, cùng với nguồn lực của cơ quan báo chí, đã có sự cải thiện đáng kể. Về cơ bản, các cơ quan báo chí đều đã được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp và quy trình làm báo tương đối hiện đại. Nhiều cơ quan báo chí Thành phố đã kịp thời đầu tư phát triển theo hướng công nghệ hiện đại, cung cấp ấn phẩm báo điện tử, cung cấp nội dung thông tin trên hạ tầng mạng Internet, hạ tầng mạng thông tin di động. Đài PTTH Hà Nội đang thực hiện lộ trình số hóa các chương trình phát sóng, một số chương trình đã thực hiện phát sóng trên vệ tinh…
Có thể nói, từ nhiệm kỳ Đảng bộ Thành phố khoá XIII đến nay, Báo chí Hà Nội được quan tâm một cách toàn diện, sâu sắc, cụ thể, thiết thực và có hiệu quả cả về lý luận và thực tiễn. Đó là một trong những yếu tố cơ bản, quan trọng thúc đẩy hệ thống báo chí Hà Nội phát triển cả về chất lượng và số lượng; Báo chí Hà Nội đã và đang thực sự là “lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng” của Đảng bộ, chính quyền Thành phố.
_________
(*) Theo số liệu của Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội tính đến 6/2013.
Như Quỳnh tổng hợp.