Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 27/02/2017 10:17
Hà Nội qua những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài

 Đề tài Hà Nội trong mạch văn Tô Hoài là những ký ức sống động về cuộc sống nơi quê ông, là Hà Nội ven đô, Hà Nội mà ông vừa trải rộng vừa đào sâu, là Hà Nội đã theo ông dẫu ông đi bất cứ đâu, để thành hành trang cho ông, để mỗi lúc soi nhìn nó ông lại thấy thêm bao điều mới lạ, cả trong ba chiều: quá khứ, hiện tại và tương lai.

 Từ rất sớm ở tuổi hai mươi, nhà văn Tô Hoài đã viết về tuổi thơ của cu Bưởi lên trọ học nhà người quen ở Hà Nội. Đó là mạch hồi ức khở đầu của ông trong Cỏ Dại (1941), tiếp nối với Tự truyện (1978), bên những hồi ký khác về tuổi học trò như Mùa hạ đến, mùa xuân đi, rồi tuổi thanh niên thất nghiệp trong Đi làm, Hải Phòng, tuổi hăm hở tham gia hoạt động xã hội trong Một chặng đường… Hình như thế giới xung quanh, mảnh đất ngoại thành Hà Nội, cứ tự nhiên vận vào mạch văn của ông.

Hồi ức là lối văn nói về chính cái tôi, và sự cuốn hút là khi cái tôi ấy gợi được một điều gì đáng nói của cuộc đời. Cõng em và tha thẩn rong chơi trong làng - đó là công việc hàng ngày của một tuổi thơ trong Cỏ dại. “Cu Bưởi” - Tô Hoài chẳng cảm nhận sự buồn tẻ hay đơn điệu của những năm tháng tuổi thơ để rồi Cu Bưởi “ngày sau” lại thành người viết văn, thành nhà văn tài năng. Để rồi hơn ba mươi năm sau Cỏ dại một hồi ức được tổ chức thành truyện, trở thành một chỉnh thể hiếm hoi về một tuổi thơ và tuổi trẻ vất vưởng trong kiếm sống và tìm đường trước cách mạng - đó là Tư truyện. Đọc Tô Hoài người đọc sẽ ngạc nhiên không hiểu sao ông có thể viết hay đến thế về mình, viết qua mình để hiểu người, hiều đời, hơn thế hiểu cả một thời, một bầu khí quyển chung cho biết bao thế hệ. Đọc Cỏ Dại, rồi đọc Tự truyện trong khoảng cách hơn ba mươi năm, người đọc không thấy có sự hẫng hụt hoặc ngắt quãng nào trong mạch hồi ức của Tô Hoài. Vẫn một trí nhớ tuyệt vời, một cảm hứng nhất quán, một sự sống không chút vơi cạn trong kho ký ức. Và một cái nhìn, vừa kín đáo bên trong vừa hiển lộ ra ngoài cho thấy rõ nét một con người thật Tô Hoài. Vừa sát gần lại vừa lùi xa, hồi ức Tô Hoài vừ mời gọi ta đến lại lưu luyến lúc ta đi…

Sau Tự truyện, nhà văn Tô Hoài lại cho ra mắt Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Hai cuốn sách cách nhau bảy năm, gần như là sự tiếp tục và đan xen cài nhau trên từng mảng hồi ức và kỷ niệm của ông gắn với các bối cảnh không gian, thời gian được mở ra khá rộng trên đường đời và công việc của nhà văn. Đọc hai cuốn này người đọc luôn luôn được cuốn hút bởi những gì mới mẻ, không trùng lặp, không nhạt mờ, không kém sút trong cái kho kỷ niệm của nhà văn. Tô Hoài cứ tự nhiên mà kể về những gì mình đã biết, đã trải một cách không hề lên giọng hay tỏ ra chút khiêm nhường.

Nói về mảng đề tài Hà Nội trong văn Tô Hoài ta phải tiếp tục kể đến hai tập Chuyện cũ Hà Nội (1986) kể những chuyện liên quan đến Hà Nội xưa như Phố mới, Ba sáu phố phường, Phố nghề, Phố và làng, Chợ, Kẻ Chợ, rồi Tàu điện, Xem phim, Cúp tóc, Hát ả đào… Rồi Nem Sài Gòn, Chả cá, Bia, Bánh cuốn, Cơm đầu ghế… Xem Chuyện cũ Hà Nội càng thấy cái kho chuyện trong ký ức của Tô Hoài thật đầy.

Đề tài Hà Nội trong một quá khứ sâu hơn cũng là câu chuyện nhà văn Tô Hoài theo đuổi lâu dài. Từ Mười năm (1958) rồi đến Người ven thành (1972), Quê nhà (1980)… Mười năm như là sự gắn nối Quê người với Quê nhà và là con đường Tô Hoài ngược dòng lịch sử. Lịch sử, đó cũng là một cảm hứng nổi đậm trong văn của ông, cùng song song với cảm hứng về những miền sâu của ký ức riêng tư. Con người, như được thể hiện trong Người ven thành, trong Quê nhà, rồi trong Kẻ cướp Bến Bỏi (1996) - kể câu chuyện đám môn sinh Cao Bá Quát quyết trả mối thù cho thầy - theo Tô Hoài, đó là người Hà Nội, như một biểu tượng của dân tộc, và như một kế thừa không đứt đoạn với lịch sử. Khỏi phải nói đến sự dụng công của Tô Hoài trong nghiên cứu các thư tịch để cho cuộc sống đạt được khuôn mặt lịch sử, mà không tùy tiện, bịa đặt. Khỏi phải nói niềm ham say tìm kiếm sự gắn nối giữa cái chung và cái riêng để đạt được một hòa sắc độc đáo về cái chất “người ven thành”. Đọc Tô Hoài thấy rõ sự huy động tổng lực tri thức lịch sử, địa lý, phong tục,… Đọc Tô Hoài thấy con người luôn luôn là một sự cộng hưởng với thiên nhiên và lịch sử. Đọc Tô Hoài thấy ông viết thật dễ dàng nhưng không chút dễ dãi về tất cả những gì đến trong tầm quan sát và chú ý của ông, gắn nối quá khứ với hiện tại. Ông là bậc trưởng lão gần gũi và đáng trọng nhất, có sự nghiệp đồ sộ cả về số lượng và chất lượng, in rõ những biến động và đổi thay lớn lao của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng trong suốt thế kỷ XX với biết bao sự kiện lớn nhỏ, chưa từng diễn ra trong lịch sử dân tộc và văn học dân tộc.

Trần Duy tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)