Phụ nữ - Người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các giá trị văn hóa gia đình
Người phụ nữ có ảnh hưởng tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, sứ mệnh của người phụ nữ Việt Nam vì vậy càng thêm cao cả, họ là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các giá trị văn hoá gia đình.
Trong chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta, gia đình được xem là một thành tố lớn của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc và sự tiên tiến của nền văn hóa dân tộc. Trong thực tế, mỗi gia đình đều liên quan và tác động đến các mặt của đời sống xã hội và qua đó thực hiện vai trò là thành tố văn hóa của mình. Để thực hiện vai trò ấy, mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức trách nhiệm thực hiện, song cả trong lĩnh vực này, người phụ nữ vẫn là người đóng vai trò quan trọng.
Trong gia đình, phụ nữ vừa là người giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, vừa là người tiếp thu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà trước hết đó là xây dựng gia đình văn hóa. Vai trò đó thể hiện ở:
Người phụ nữ là người giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình, giữ gìn truyền thống trên kính dưới nhường, kính lão đắc thọ qua việc giáo dục con cái các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn con cái thực hiện các quy tắc ứng xử trong gia đình: kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ; thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn giữa các anh chị em; quan tâm, các thành viên trong gia đình luôn chăm sóc lẫn nhau…
Người phụ nữ là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các làn điệu dân ca, các câu ca dao, tục ngữ, các bài hát, bài thơ. Bằng lời ru, tiếng hát dân ca mượt mà, thắm đượm tình yêu thương, người mẹ, người bà trong gia đình truyền lại cho con cháu vốn văn hóa dân tộc; đem lại cho con cháu trong nhà không chỉ là tình yêu thương, mà còn là những bài học về đạo lý làm người qua các lời ru ấy:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu ấy là đạo con”.
Người phụ nữ là người giữ gìn các phong tục, tập quán, truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ tới người đã khuất vào các ngày đầu tháng, các ngày lễ, tết, ngày giỗ…
Người phụ nữ là người tiên phong trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong gia đình qua việc tích cực học tập nâng cao trình độ; phân công làm các công việc nhà phù hợp giữa vợ và chồng, giữa con trai với con gái; công bằng trong đối xử giữa các con, không coi trọng con trai, xem nhẹ con gái.
Người phụ nữ là nhân tố tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội từ gia đình… Thiếu sự quan tâm của người vợ, thiếu sự quản lý của người mẹ, người chồng và con cái rất có thể bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như bài bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… Và chính gia đình là nơi khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp… Mỗi người phụ nữ cũng phải giữ vai trò là người gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc những bài học về đạo lý làm người, về đức hi sinh cao cả, về tấm lòng vị tha nhân ái sẽ được chân truyền trực tiếp từ tấm lòng người mẹ đến với những đứa con đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc.
Trong xu hướng chung người phụ nữ của một gia đình hiện đại ngày nay biết tự nâng tầm nhận thức của mình, ý thức được vai trò của mình trong gia đình và biết tự bảo vệ hạnh phúc của chính mình, có khả năng giải phóng cho chính mình, cân bằng công việc xã hội và công việc gia đình được coi là một phẩm chất cần thiết để hoàn thiện gia đình. Sự thâm nhập lối sống của nền văn minh phương Tây khiến mối quan hệ cố kết trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Sức ép của lối sống công nghiệp, những món ăn nhanh, những cám dỗ của cuộc sống chốn đô thị. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập đã khiến những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống có nguy cơ bị xói mòn mai một… Trước thực trạng đó, người phụ nữ của thời đại họ ý thức rằng là người biết “giữ lửa”, “truyền lửa” hâm nóng bầu không khí gia đình “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Giữ gìn và thực hiện thiên chức của mình càng làm cho hình ảnh người phụ nữ truyền thống trở nên dịu dàng, hiền thục với đức tính “Công, dung, ngôn, hạnh” hơn nhưng vẫn không làm giảm đi sự mạnh mẽ, quyết liệt và cao thượng rất hiện đại, điều đó được chứng minh rất sinh động, trong cuộc sống ngày nay có rất nhiều những người phụ nữ thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau do đó tin tưởng rằng những nguy cơ trên khó có thể đánh bại được ý chí của người phụ nữ trong vai trò xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc.
Tóm lại, phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ không chỉ góp phần quan trọng vào kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau mà còn đảm trách hầu hết công việc nhà và là người đảm nhiệm việc chăm sóc, nuôi dạy con. Quan trọng hơn, người mẹ còn là người giáo dục đường ăn nết ở, và truyền cho con những bài học đạo lý làm người, góp phần quan trọng vào hình thành nhân cách cho trẻ. Với nhiều đức tính: tần tảo, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con; Với tình thương bao la và sự kiên trì, người phụ nữ trở thành trung tâm liên kết các thành viên trong gia đình, là người thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên. Họ đóng vai trò chính yếu trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng tâm lý tình cảm – chức năng đặc thù của gia đình mà không một thiết chế xã hội nào khác có thể thay thế.
Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng với những nỗ lực của chính bản thân, chị em phụ nữ rất cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Vì vậy, một mặt, mỗi phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện các phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Mặt khác, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Thấm nhuần lời dạy của Bác, “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, sứ mệnh của người phụ nữ Việt Nam vì vậy càng thêm cao cả. Với những phẩm chất cao quý và những đóng góp lớn lao của mình, mỗi người phụ nữ Việt Nam ngày nay sẽ là một nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi.
Như Ngọc tổng hợp