Từ hội làng phác họa văn hóa nông nghiệp Việt
Hội làng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng cần suy tôn: các vị Tiên, Phật, Thần thánh - những Thiên thần hay Nhân thần - mà xét đến cùng cội rễ thì đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của những anh hùng khai phá và xây dựng bản làng, những anh hùng chống ngoại xâm, những anh hùng chống thiên tai, trừ ác thú, những nhân vật lịch sử có công dạy dỗ, truyền nghề, chữa bệnh cứu người, hoặc những đấng thiêng giúp con người hướng thiện, tạo dựng cuộc sống tốt lành… Chính vì vậy, hội làng thường diễn ra ở đình, đền, chùa, miếu (tùy từng làng), và người ta cũng gọi hội làng là hội đình (như hội đình Ứng Thiên), hội đền (như hội đền Bạch Mã), hội chùa (như hội chùa Tây Phương)…
Từ thực tế, các nhà nghiên cứu đã phân loại lễ hội ở Hà Nội: Lễ hội tái hiện những nghi thức sinh hoạt nông nghiệp, như: hội cầu mưa, hội đánh cá, hội săn bắn, hội đua thuyền… (thường kèm theo các lễ: thờ thần lúa, thần mặt trời, lễ hạ điền, thượng điền…). Lễ hội tái hiện những sự kiện lịch sử, nhằm kỷ niệm, tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa có nhiều mối quan hệ gắn bó với làng quê đó, như: Lễ hội Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội - nơi thờ Hai Bà Trưng), lễ hội đền Voi Phục Thủ Lệ (quận Ba Đình, Hà Nội - nơi thờ Linh Lang Đại vương). Lễ hội tái hiện các sinh hoạt xã hội, như: Lễ hội làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm), lễ hội Lỗ Khê (hát Ca trù ở huyện Đông Anh).
Hội làng có nơi mở rộng thành hội vùng (hội Cổ Loa, hội đền Và, hội Phù Đổng, hội làng Chuông…). Người tham gia hội là toàn dân làng không phân biệt giàu nghèo, trai gái, tuổi tác. Mọi người dự hội với tinh thần hồ hởi, chan hòa một niềm cộng cảm. Mỗi người đến dự hội, từ cách ăn mặc, nói năng đều có sự lựa chọn. Đến với lễ hội là đến lễ ở đình (hay đền, chùa, miếu), nên từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều mặc đẹp, trang trọng. Cờ xí rập trời, chiêng trống vang lừng cuốn hút. Sự giao cảm hòa hợp giữa cái chung và cái riêng, cái cộng đồng và cái cá thể. Tất cả như đều hướng về một miền thiêng liêng, nhưng lại rất gần gũi… Không giống như nghi lễ tôn giáo linh thiêng, trong hội làng dường như cái thần thánh và cái thế tục hòa vào nhau trong không gian thoáng rộng của miền quê.
Hội làng xưa thường tổ chức vào lúc nông nhàn, nghĩa là lúc người nông dân đã xong các vụ cấy gặt. Do đó, các lễ hội thường tổ chức vào mùa xuân hay mùa thu. Đấy là các lễ hội chính của làng, còn trong năm gần như tháng nào cũng có lễ cúng ở đình, đền…
Hội làng là sinh hoạt tôn giáo, nghệ thuật, thể thao truyền thống của cộng đồng làng, là nét đặc sắc của văn hóa làng. Xuất phát từ ước mong và cả nhu cầu của cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển, từ sự bình yên cho từng cá nhân và gia đình, sự vững mạnh của dòng họ, sự bội thu cho mùa màng, sự sinh sôi nảy nở của con người… mà tinh thần của hội làng được duy trì và mở rộng. Hội làng nào cũng có một mong muốn chung là “nhân khang vật thịnh”, “quốc thái dân an”. Qua hội làng phần nào phác họa văn hóa, sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của những người nông dân đất Việt.
Linh Chi (tổng hợp)