Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 08/03/2017 08:35
Vài nét thực trạng làng cổ Hà Nội

 Đất nước ta đang trên đường đổi mới, phát triển. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế là tất yếu để đưa đất nước tiến lên giàu mạnh, văn minh. Nông thôn Việt Nam, nông thôn Hà Nội cũng không nằm ngoài tiến trình vận hành của đất nước. 

 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa ở làng quê vốn xưa kia là “tự cung tự cấp”, “ta về ta tắm ao ta”, “phép vua thua lệ làng”… Ngày nay, mọi mặt sản xuất, lưu thông, xây dựng, nếp sống… đều đã thay đổi. Ngoại thành Hà Nội và vùng ven nội đang trong quá trình đô thị hóa khá nhanh, do đó làng Hà Nội và các làng cổ Hà Nội cũng không còn như làng thời xưa, có những thay đổi nơi nhiều nơi ít.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội cũng như tốc độ đô thị hóa từ thành thị tới nong thôn, TS. Lưu Minh Trị đã đưa ra một vài nét về thực trạng làng cổ Hà Nội.

Cảnh quan kiến trúc làng: Trước tiên phải kể đến những cái đặc trưng dễ nhận về văn hóa làng Việt nói chung và làng Hà Nội nói riêng là cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre xanh. Vì đời sống xã hội của thời đại mới thay đổi, có cái không còn phù hợp phải phá bỏ hoặc thay thế, tuy nhiên một số làng vẫn giữ cái bóng dáng ngàn xưa của ông cha mình.

Cổng làng là biểu tượng cho địa giới mở ra khu dân cư của làng. Nhiều làng xưa có cổng Tiền (là bộ mặt), cổng Hậu (để ra đồng sản xuất). Có làng còn cổng ngách ra đồng gọi là cổng Tây, cổng Đông. Trong làng lại có cổng xóm, cổng ngõ, từng nhà giàu sang lại có cổng nhà. Ngày nay, đường làng chính được mở rộng để xe ôtô chở hàng và ôtô chở khách có thể ra vào phục vụ sản xuất, đám cưới, khách đến tham quan, du lịch… Vì thế, cổng làng cũ phải phá đi. Có làng xây cổng mới nhưng vẫn giữ phong cách kiến trúc cổ. Có làng làm cổng mới bằng sắt, thép, nhôm, gắn biển tên làng và không cần cánh cổng bởi an ninh trật tự bây giờ tốt hơn trước. Tuy nhiên, qua khảo sát thấy không ít làng vẫn giữ lại cổng cũ với những chữ Hán trên nóc cổng và câu đối mặt trước và mặt sau cổng, như làng Vẽ, làng Phù Ninh, làng Ước Lễ, làng Phù Đổng, làng Cổ Loa, làng Mông Phụ… Một số làng mở đường cho ôtô đi vào từ phía khác. Như vậy là vẫn giữ được vốn cổ, vừa phục vụ được yêu cầu hiện đại.

Cây đa, giếng nước (giếng nước, ao làng…), sân đình (trung tâm hành chính, văn hóa xã hội của làng xưa) đã từng gắn bó nghìn đời với người dân Việt. Đến nay, khá nhiều làng, nhất là các làng cổ, vẫn còn đủ. Cây đa, cây đề, cây si hay cây gạo đứng gần cổng làng tỏa bóng mát để đón khách ra vào, hoặc đứng bên đình tỏa mát một góc sân cho trẻ em lấy chỗ chơi trò chơi. Một số làng còn có cây cổ thụ mấy trăm năm. Giếng nước, ao làng thì nơi nào chả có giếng chung, ao trước sân đình… Ngày nay rất nhiều làng xã ngoại thành Hà Nội đã có máy nước dẫn vào nhà, giếng làng chỉ để làm kỷ vật hoài cổ.

Lũy tre xanh bao quanh làng từ xưa đã như lũy che chở cho xóm làng. Ở Hà Nội, đến nay những làng ven phố thị đã không còn lũy tre xanh nữa; các làng xã trung tâm thành phố cũng chỉ lác đác còn bóng cây tre, nhiều làng không còn lũy tre nữa. Thay vào đó là những tường bao, tường nhà xây gạch, xây đá ong, hoặc là những rặng râm bụt, rặng duối…

Những ngôi nhà mái ngói (ba gian hai chái hoặc năm gian), khung gỗ, hoành tre, cửa bức bàn có ngưỡng cao là một nét đặc sắc của làng Việt xưa. Hiện nay, ở ngoại thành Hà Nội vẫn còn một số làng lưu giữ được những ngôi nhà như thế. Các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh và Đoài Giáp ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), vẫn còn hơn 400 ngôi nhà cổ mà vật liệu xây dựng là gỗ xoan và tre ngâm tồn tại trên 200 năm. Các ngôi nhà ở đây xây tường bao và cổng đều bằng đá ong. Làng Vẽ (nay là phường Đông Ngạc) cũng còn nhiều nhà kiểu kiến trúc cổ có cột lim trên đá tảng chạm sen, mái lợp hai lớp… Làng Vân Hà (huyện Phúc Thọ) còn 148 căn nhà hoàn toàn bằng gỗ.

Các làng nghề truyền thống là nét đặc sắc của làng quê Hà Nội. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, không ít làng nghề vẫn trụ vững và phát huy, nhiều mặt hàng đã xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Điển hình là: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan; làng nghề dát vàng, bạc quì Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Ứng (huyện Đông Anh); nghề nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề mộc Chàng Sơn và làng nghề chè lam Thạch Xá (huyện Thạch Thất); làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); làng giò, chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai); làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ và làng nghề nặn tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên); làng nghề sơn mài và làng tiện gỗ Nhị Khê (huyện Thường Tín)…

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn đã làm cho kiến trúc nhà ở làng quê thay đổi. Do làng xã không có chủ trương và quy hoạch bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, nên các gia đình đã phá nhà ba gian mái ngói, xây nhà bê tông ba bốn tầng… Nếu có quy hoạch đúng đắn, thì vừa giữ gìn những nhà cổ điển hình vừa xây dựng các nhà cao tầng có mái ngói, thì làng quê vẫn hài hòa vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Ngọc Linh (tổng hợp)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)