Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 11/04/2017 08:46
Văn hóa đọc trong thời kỳ hội nhập

 Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng toàn cầu hoá.  Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, cuộc sống ngày càng được nâng cao với đầy đủ tiện nghi vật chất. Người ta cho rằng các phương tiện nghe nhìn có thể đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật, bồi dưỡng tinh thần và tình cảm thẩm mỹ của con người, văn hoá đọc không còn giữ vị trí độc tôn như trước mà đã bị văn hoá nghe nhìn lấn át.

 

Hằng ngày chúng ta thường nghe các thuật ngữ rất quen thuộc như: văn hoá dân tộc, văn hoá ứng xử, văn hoá gia đình, văn hoá đô thị, văn hoá giáo dục, văn hoá ẩm thực, văn hoá đọc .v.v…Nhưng khái niệm văn hoá đọc cho tới nay vẫn chưa có một học giả nào viết một cách chuẩn xác. Thuật ngữ văn hoá đọc đã được xã hội thừa nhận và được nhắc đến nhiều, thậm chí hiện nay văn hoá đọc còn là một đề tài nghiên cứu được nhiều người quan tâm.

 

Văn hóa đọc ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Còn ở nghĩa rộng, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, muốn phát triển văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mục đọc sách lành mạnh của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, của các nhà quản lý và các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Giữa văn hoá đọc và văn hoá nghe nhìn có một sự khác biệt. Cùng một thông tin tiếp nhận, nhưng mắt đọc và mắt nhìn thuộc hai loại đẳng cấp khác nhau. Bởi lẽ, mắt đọc buộc trí tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn, còn với mắt nhìn thì chỉ lướt qua nên những ấn tượng được lưu lại không nhiều. Văn hoá đọc đòi hỏi tính tự giác rất cao. Khác với việc đọc sách, việc tiếp thu thông tin từ các phương tiện thông tin hiện đại thì người nhận thông tin thường ở thế bị động và lệ thuộc nhiều vào các trang thiết bị, việc đọc sách tự do hơn nhiều. Khi nghe một bản nhạc hoặc xem một bộ phim hay chúng ta cũng bị lôi cuốn nội tâm vào đó, cũng vui, buồn, ghét, giận. Nhưng đọc sách là một sự liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả, người ta thường nói: “Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”, giúp chúng ta suy ngẫm những ý tưởng cao siêu, những chân lý vĩ đại. Suy ngẫm trong quá trình đọc sách sẽ bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc.

 

Sách là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, sách ghi lại toàn bộ lịch sử loài người. Sách là người thầy, là di huấn của người đời trước để lại cho người đời sau. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai. Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tất cả tri thức của nhân loại được tích luỹ trong suốt quá trình lịch sử lâu dài. Nếu phân tích một cách kỹ lưỡng chúng ta sẽ thấy rằng, cho dù xã hội có văn minh đến đâu thì văn hoá đọc vẫn được duy trì và phát triển phù hợp theo sự phát triển của xã hội.

 

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, sự sinh tồn không chỉ là cải thiện đời sống, ứng phó với hoàn cảnh, giải quyết khó khăn, mà còn làm cho đời sống phong phú, mỹ mãn và luôn hướng đến chân thiện mỹ. Muốn có đời sống đạt đến trình độ như thế cần phải dựa vào sách, dựa vào triết học nhân sinh tổng hợp có ở trong sách, những tri thức khoa học ở trong sách, đem ứng dụng vào cuộc sống để sáng tạo ra những cái mới tốt đẹp hơn, hoàn mỹ hơn.

 

Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường hiện nay, con người đôi lúc cũng trở nên mệt mỏi và cần có những giây phút thư giản. Đọc một cuốn sách hay trong một không gian yên tĩnh làm cho người đọc sách như thoát ra khỏi cuộc sống hiện thực, quên hết mọi chuyện phiền não, khó khăn và tâm hồn như được gạn đục khơi trong.

 

Việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đến thế giới nội tâm, đến trình độ văn hóa, đến hoạt động xã hội của người đọc. Tuy nhiên, cho dù là đọc hay nghe nhìn đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Đặt biệt là trong thời kỳ nước ta mở rộng giao lưu quốc tế, yêu cầu hàng đầu đối với tất cả chúng ta là tinh thần độc lập dân tộc, lòng tự hào sâu sắc về những giá trị văn hoá của con người Việt Nam. Trong giao lưu và tiếp thu văn hoá phải chống lại sự xâm nhập của mọi thứ văn hóa độc hại, những quan niệm cực đoan về tự do cá nhân, chủ nghĩa thực dụng lấy đồng tiền làm mục đích, chống lại lối sống hưởng thụ, xa hoa, ích kỷ.

 

 

Tri thức được coi như là tiêu chuẩn đánh giá mọi giá trị xã hội. Tri thức và kỹ năng trở thành cái căn bản của sự sinh tồn và phát triển, chính vì thế mà việc đọc sách cần phải được coi trọng, vì sách giúp cho con người nâng cao tri thức, tích luỹ kinh nghiệm để vận dụng vào cuộc sống. Maxime Gorki nói: “Sách vở biến chúng ta thành con người hạnh phúc”.  Để có được cái lạc thú của việc đọc sách, để đi đến đỉnh cao của tri thức, mỗi người chúng ta hãy cố gắng cúi mình trước những trang sách.

 

Trần Linh tổng hợp

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)