Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 02/10/2018 09:29
Đôi nét về chế độ thi cử thời Lý – Trần - Lê Sơ

 

Sau thời kỳ Bắc thuộc, nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, các triều Ngô – Đinh – Tiền Lê chưa quan tâm đến giáo dục, thi cử. Việc tuyển chọn nhân tài chủ yếu dựa trên đức độ và khả năng thể hiện trong cuộc sống thường ngày. Phải đến thời Lý, giáo dục, thi cử chọn người hiền tài mới bắt đầu được chú trọng, thể hiện bằng việc tổ chức khoa thi  Minh Kinh bác học đầu tiên để chọn những người học rộng, thông hiểu kinh sử ra làm quan. Càng về sau việc thi cử càng được mở rộng do nhu cầu tuyển chọn nhân tài ra giúp nước tăng lên, quy chế học và thi cử cũng ngày càng được quan tâm.

 

Khởi đầu từ nhà Lý nhưng mãi đến năm 1232 hệ thống thi cử mới thật sự đi vào nề nếp khi vua Trần Thái Tông cho tổ chức một cuộc thi Thái học sinh, từ năm 1239, nhà vua ấn định cứ 7 năm tổ chức một lần thi Hội. Đến năm 1396, vua Trần Thuận Tông đề ra chế độ thi cử với 3 khoa thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình tương đối toàn diện. Từ đây, các vương triều sau đều lấy đó làm cốt lõi của chế độ khoa cử chọn người hiền tài.

Về đối tượng dự thi: phải có lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, không phải người buôn bán, ngụy quan hay có tiếng xấu. Số lượng thí sinh dự thi được giới hạn cho mỗi xã tùy theo quy mô của xã đó. Trong khi đó độ tuổi của thí sinh lại không bị giới hạn. Thí sinh phải thi tại hội đồng thi quy định thuộc địa phương mình với số lượng người đỗ đã được định sẵn. Mỗi người đi thi nộp từ một đến hai quan tiền, một bát gạo cho châu, huyện gọi là tiền nộp sổ để làm kinh phí dự thi. Mỗi xã phải nộp từ một đến hai quan tiền và 35 đến 65 bát gạo để làm trường thi.

Về quy trình tham gia dự thi: Đầu tiên thí sinh phải trải qua 4 trường thi Hương. Thi Hương là chọn người đỗ ở các tỉnh trong cả nước để vào thi Hội. Thi Hương gồm 4 trường thi. Trường thứ nhất là thi Kinh nghĩa: giải thích ý nghĩa trong Tứ thư, Ngũ kinh, bài thi làm theo lối biền văn, không cần vần, mục đích là tìm người thông hiểu kinh sử. Trường hai là thi Văn sách: là trả lời câu hỏi về một vấn đề nào đó của đề bài. Bài thi này nhằm thử thách tài bàn luận của thí sinh. Trường ba là thi thơ phú: bài thi này thử thách khả năng làm thơ của thí sinh vì sinh hoạt thơ ca là một hoạt động của tầng lớp quan lại phong kiến. Trường tư là thi chiếu - chế - biểu: Chiếu là lời vua nói, chế là vua ban thưởng cho công thần, biểu là lời tạ ơn hoặc chúc mừng nhà vua nhân các dịp lễ lớn. Bài thi này nhằm thử thách khả năng soạn một văn bản của thí sinh....

Thí sinh phải vượt qua 4 trường thi Hương mới được vào thi Hội. Qua kỳ thi Hương sẽ chọn ra Cử nhân và Tú tài. Những người đỗ Cử nhân sẽ được tham dự kỳ thi Hội (trong một số trường hợp Tú tài cũng được tham gia thi). Kỳ thi hội thường được tổ chức vào mùa xuân, sau kỳ thi Hương. Trước kia kỳ thi hội thường được tổ chức ở bãi sông Hồng với kết cấu gần giống như kỳ thi Hương nhưng mức độ trang trọng hơn, lều chõng của thí sinh sẽ do quân đội triều đình quản lý. Nội dung của thi Hội cũng giống như thi Hương nhưng mức độ khó hơn. Những người đỗ kỳ thi Hội sẽ được bước vào kỳ thi Đình. Do số lượng người tham dự kỳ thi Đình lúc này ít nên thường được tổ chức ngay trong sân cung điện, sân nghè trong Hoàng thành Thăng Long. Kỳ thi Đình tổ chức rất long trọng, có cả vua chúa đến tham dự, hai bên là các giám thị, ở giữa là bàn để quyển thí. Đề thi trực tiếp do vua ra, thí sinh phải làm bài đối sách lại đề của vua. Vua sẽ trực tiếp là người chấm, chọn thứ bậc cho những người đỗ. Như vậy, một kỳ thi chọn người hiền tài diễn ra qua rất nhiều bài thi và tổ chức rất nghiêm ngặt.

Về quy chế thi: Trước ngày  thi 2 ngày thí sinh phải đến trường thi để xem số báo danh để biết vị trí trong trường thi và cửa thi. Hôm thi thí sinh phải đến sớm. Trong kỳ thi Hương, thí sinh phải tự chuẩn bị lều chõng, đồ đạc cá nhân của mình, không được mang sách vở, kinh sử vào trường thi, không được mặc áo kép mà phải mặc hai áo đơn, tất cả những vật dụng cá nhân sẽ được khám xét cẩn thận. Khi vào trường thi ai về lều của người đó, không đi lại loanh quanh hay sang lều của người khác. Bài thi phải tuân theo quy tắc và thể thức nhất định ví dụ như thí sinh phải làm bài vào quyển thi nhận từ các lại phòng phát cho trước khi vào trường thi, bài thi phải có đóng dấu, không được phép tẩy xóa. Các thí sinh phải nhớ tên vua chúa, quan lại không được phạm húy;  những lời của thánh hiền trong kinh sử phải viết chính xác, nếu sai sẽ bị hủy bỏ, không được phép bỏ trống bài thi...

Về phía quan coi thi và chấm thi cũng được chọn lựa kỹ càng.Nếu ai có người nhà đi thi sẽ  không được giao nhiệm vụ gì trong trường thi, giám khảo chỉ được cử trước 5 ngày, các quan chấm thi là những người làm ở các bộ có học vị cao, trong thời gian thi các vị quan này không được tiếp xúc với bên ngoài.

Có thể nói, chế độ khoa cử bắt đầu từ thời Lý được phát triển ở thời Trần và hoàn thiện ở thời Lê Sơ đã thể hiện sự nghiêm ngặt ở cả quy trình và quy chế thi. Nhờ đó mà các khoa thi đã diễn ra thành công và triều Lý, Trần, Lê sơ đã chọn được rất nhiều hiền tài phục vụ cho triều đình, cho đất nước.

 

Dương Minh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)