Nhà thờ các dòng họ ở Nhật Tân
Phường Nhật Tân ngày nay xưa là phường Nhật Chiêu vào đầu thời Nguyễn khoảng (1840-1845) mới đổi là Nhật Tân. Toàn bộ phường Nhật Tân nằm trên gò Hý Mã (ngựa hý) phía Tây của hồ Tây. Cư dân Nhật Chiêu đã khai phá vùng đất này từ thời Hùng Vương. Truyền thuyết 7 cây gạo đã chứng thực điều này: “Bảy cây miên (cây gạo) trên góc bờ hồ phía tây, nay tại ngai đê thuộc địa giới làng Nhật Chiêu. Bà Phi của Diệu Đế là Lạc phu nhân khi sinh Uy Linh thấy một boc bảy trứng, lấy làm lạ, bỏ lại dó. Sau hoá bảy con rồng bay lên trời. Phu nhân nghe biết, sai trồng cây để ghi dấu. Sắc phong vương tước, gia tặng hai chữ Uy Linh và lập miếu thờ. Miếu ấy nay là đình của ấp Tây Hồ”.
Người Nhật Chiêu - Nhật Tân trải qua các triều đại với hàng ngàn năm lịch sử vẫn bám trụ ở vùng đất đầy sóng gió hiểm nguy này để tạo dựng cuộc sống phồn vinh cho chính bản thân và góp phần tô đẹp cho văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Nói đến Nhật Tân người ta nghĩ ngay đến nghề trồng hoa mà nổi tiếng là hoa Đào. Tuy nhiên nghề trồng dâu nuôi tằm kéo sợi mới là nghề của Nhật Tân. Sách “Hoàn Long huyện chí” chép: Chăn tằm là nghề của dân bốn bãi sông Nhật Tân, Quảng Bố (Bá). Giống tằm do ngài tằm sinh ra. Chọn ngài tằm đặt trên tờ giấy, rồi lấy cái bát nhỏ úp lên, để ngài đẻ trứng thành vòng tròn, khoảng năm ngày, sẽ nở thành tằm con nhỏ như con kiến. Thái lá dâu nhỏ như sợi tơ cho tằm ăn, năm ngày sau thì ngủ một ngày một đêm, rồi dậy lột xác. Vẫn thái nhỏ lá dâu cho tằm con ăn được năm ngày, tằm lại ngủ như thế. Lại thái nhỏ lá dâu cho ăn năm ngày nữa, tằm lại ngủ như lần trước. Khi thức dậy, cho tằm vào trong cái nong to, hái lá dâu để to cho tằm ăn trong mười ngày, dùng tre kết thành cái né, ken gác rơm lên trên cho tằm bám lên. Hong ra nắng, tằm sẽ nhả tơ làm lén. Thu kén thả vào nồi đồng, đun nước sôi luộc kén, dùng đũa tre kéo tơ ra. Tơ phía ngoài kén là tơ thô (tục gọi là tơ gốc), bên trong kén là tơ tinh. Nuôi tằm cần che kín, rất kỵ gió lùa, bị lạnh là hỏng. Mùa đông giá rét, đốt than sưởi cho tằm.
Xét: Loài tằm tuy nhỏ bé, nhưng công dụng lại rất lớn, cung cấp áo mặc chăn đắp cho người. Xem dân các làng nuôi tằm thì thấy, không đòi hỏi nhân công khéo léo mà chủ yếu trông cậy vào thời tiết, thường không phải lúc nào tằm cũng sống cả mà không thiệt hại gì. Gần đây, xem trên báo, thấy nói nhà nước dự định chi tiền lập ra các sở nuôi tằm, để phát huy hết đặc tính con tằm, giúp chúng thả sức sinh sôi, ăn no ngủ kỹ, vào kén nhả tơ. Tằm Đông Kinh xem ra còn chu cấp cho cả bên ngoài xứ Đông Dương chứ bỡn”.
Sở dĩ Nhật Tân trở nên nổi tiếng như vậy vì có các dòng họ sinh tụ ở đây đã lâu đời như dòng họ Chu, họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Trần, họ Vũ… Nhà thờ họ Chu là nhà thờ của một trong những dòng họ lớn đã góp phần tạo nên sự phồn vinh cho vùng đất Nhật Tân với nghề trồng hoa Đào và trồng dâu nuôi tằm kéo sợi; Nhà thờ họ Đỗ - một trong những dòng họ khoa bảng làm quan nổi tiếng ở Nhật Tân; Nhà thờ họ Nguyễn - một dòng họ có nhiều thế hệ võ tướng ở Nhật Tân; Nhà thờ họ Trần ở Nhật Tân - một dòng họ có tông chỉ lấy nhân nghĩa làm gốc để khuyên con cháu làm điều thiện…
Thúy Hạnh (tổng hợp)