Phụ nữ Hà Nội trong phong trào “Ba đảm đang”
Khi Thành hội phụ nữ Hà Nội phát động phong trào Ba đảm đang, chỉ sau một thời gian ngắn đã có trên 50.000 phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang”. Hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó có nhiều người vừa rời ghế nhà trường đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới các vùng đất lửa, mở các con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Toàn Hà Nội dấy lên phong trào “Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất, công tác thay thế nam giới đi chiến đấu, ra sức đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt, phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, phụ nữ Thủ đô đã thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “Địch đánh một ta làm mười”, “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”…
Có thể nói, sự ra đời của phong trào Ba đảm đang năm 1965 xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần giác ngộ cao độ của phụ nữ Thủ đô đã khắc học một hình tượng mới về người phụ nữ Việt Nam. Phong trào Ba đảm đang đã trở thành một phong trào cách mạng sâu rộng, đi đến mọi nhà, thu hút mọi tầng lớp phụ nữ. Thành tích của phong trào Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Lao động (1 hạng Ba, 1 hạng Nhì); Cờ và nhiều Bằng khen của Trung ương Hội; 20.884 chị của Thành phố Hà Nội, 62.000 chị của tỉnh Hà Tây đạt danh hiệu Ba đảm đang 4 năm liền và hàng trăm đơn vị đạt danh hiệu lao động giỏi, hàng trăm chị được tặng huy hiệu Bác Hồ…
Phong trào Ba đảm đang ở Thủ đô đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, khả năng lao động sáng tạo trong sản xuất, công tác của phụ nữ. Phong trào không chỉ rèn luyện người phụ nữ về năng lực làm việc mà cả về phẩm chất. Những đức tính tốt đẹp vốn có của phụ nữ Thủ đô ngày càng được nhân lên và phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Thực tế, phong trào Ba đảm đang đã thể hiện sự vận dụng đường lối đúng đắn của Đảng về công tác vận động phụ nữ. Những chiến công oanh liệt và tinh thần dũng cảm của chị em đã đi vào lịch sử Thủ đô, lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam và đánh dấu một thời kỳ vẻ vang nhất của phong trào phụ nữ Thủ đô, đóng góp xứng đáng vào phong trào cách mạng chung của nhân dân Hà Nội, góp phần cùng nhân dân miền Bắc làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Khái quát những đóng góp của phụ nữ Hà Nội trong phong trào Ba đảm đang thời kỳ này có thể chúng ta có thể tự hào và khẳng định:
- Phong trào Ba đảm đang đã chứng minh khả năng cách mạng to lớn, phong phú của các tầng lớp phụ nữ Hà Nội, đưa phụ nữ Hà Nội vươn lên khẳng định vai trò trong công cuộc chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô.
- Phong trào Ba đảm đang là bằng chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của những người phụ nữ Thủ đô.
Với nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 6 Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 28 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Chín sĩ thi đua toàn quốc, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng nghìn tấm gương Người tốt - việc tốt. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành cũng đã trao tặng phụ nữ Hà Nội nhiều danh hiệu cao quý…
Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào là trách nhiệm trong việc kế thừa, phát huy truyền thống Ba đảm đang, những kinh nghiệm quý báu trong việc vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay. Nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách gay go quyết liệt, tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước, phụ nữ Hà Nội phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông, gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Linh Trần tổng hợp