Những cống hiến của Chu Văn An về giáo dục
Trước Chu Văn An, chính sử không ghi chép một trường học nào của tư nhân, ngoài Quốc Tử Giám là trường cao cấp của Nhà nước được thành lập khoảng năm 1075. Một số sách như Tây Hồ Chí - viết khoảng những năm đầu thế kỷ XIX - có nói đến trường của Lý Công Uẩn bên bờ Hồ Tây với người học trò nổi tiếng là Lý Thường Kiệt. Nhưng Lý Công Uẩn là học trò tâm đắc của nhà sư Vạn Hạnh, nên trường này không khỏi chịu ảnh hưởng khá nhiều của đạo Phật. Như vậy có thể nói rằng, trường Chu Văn An là một trường học đầu tiên do tư nhân sáng lập, tương đối có quy mô, tách khỏi ảnh hưởng của Phật giáo.
Chu Văn An là một ông thầy gương mẫu về đạo đức, học hỏi, suốt đời làm việc giảng dạy, dù ở thời kỳ còn ở nhà hay sau khi đã ra làm quan hoặc sau này về ẩn dật. Phương pháp dạy dỗ của ông lấy luân lý lễ phép làm đầu, trung trực thực tế làm căn bản, kết hợp với sự nghiêm nghị và tự mình nêu gương. Tâm hồn cao thượng kiên nghị và nền học thuật sâu rộng của ông đã đào tạo nên nhiều nhân tài làm nòng cốt cho xã hội đương thời.
Sự nghiệp về sư phạm, đạo đức của Chu Văn An qua nhiều đời đã được đánh giá cao. Ngô Sĩ Liên trong lời bàn chép ở Đại Việt sử ký không ngớt lời ca ngợi “Người sau nghìn năm nghe nói phong thái ông, há kẻ điêu ngoa không thành liêm chính, kẻ hàn nhát không tự lập sao?”. Lê Quý Đôn, trong Kiến văn tiểu lục từng viết về ông “dâng sớ xin chem. Bọn nịnh thần làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”.
Lịch sử giáo dục nước ta sẽ mãi mãi ghi lại hình ảnh Chu Văn An, một ông giáo nghiêm nghị và gương mẫu lúc nào cũng chăm lo sửa mình theo đạo, nhà chí sĩ thanh cao cứng cỏi không màng danh lợi, người trí thức trong mọi hoàn cảnh vẫn tự gắn mình với xã hội và tìm mọi cách đem tài năng của mình phục vụ sự nghiệp chung.
Linh Trần