Chính sách xây dựng “Gia đình văn hóa” của Hà Nội
Phong trào “Gia đình văn hóa” là một sáng kiến của Việt Nam, đặt ngang với “Xã hội học tập”. Đây là những phong trào đẹp dựa trên truyền thống của dân tộc và làm biến đổi gia đình và xã hội theo hướng tích cực, thay đổi lối sống và cách ứng xử trong gia đình. Mặc dù chưa chính xác nhưng tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm đạt trên 80% so với tổng số hộ dân. Đây là các chỉ báo động viên các gia đình đặt mục tiêu cho họ hướng tới các xây dựng các chuẩn mực tốt đẹp. Có thể thấy rằng, công tác xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu mang tính chiến lược lâu dài kết hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Nó cũng chứng minh rằng tâm nguyện của Nhà nước và mỗi gia đình muốn hướng tới xây dựng gia đình văn hóa.
“Ngày hội gia đình văn hóa Hà Nội” cũng được tổ chức hằng năm nhằm chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tuyên truyền để bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa.
Nội dung và các hoạt động cụ thể:
Nội dung của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” là: Phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố mới, loại bỏ những quan điểm lỗi thời, không còn phù hợp xã hội hiện đại, văn minh, đó là định hướng trong xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta. Gia đình văn hóa là một chỉ tiêu được chính phủ Việt Nam đề ra để thực hiện trong nhiều gia đình ở Việt Nam ở cấp tổ dân phố nhằm tạo một số tiêu chuẩn về văn hóa và khuyến khích các gia đình đạt các tiêu chuẩn này. Nguyên tắc chung là: Gia đình Việt Nam ít con, No ấm, tiến bộ, hạnh phúc là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh. Những gia đình được chính quyền cấp xã công nhận là đã đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp bằng khen cùng tên, bằng khen Gia đình văn hóa. Tổng cộng có 22 chỉ tiêu.
Các tiêu chuẩn văn hóa của chương trình này dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đồng thời tiếp nhận các yếu tố văn hóa hiện đại.Việc xây dựng gia đình văn hóa trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, mới chỉ là những bước đầu tiên. Hiện nay chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Hà Nội nói riêng đang trong quá trình biến đổi để thích ứng với những điều kiện mới. .
Hiện nay việc phát huy những tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống cũng đồng nghĩa với việc phải loại bỏ những yếu tố lỗi thời không còn phù hợp xã hội văn minh, điển hình là thói gia trưởng và thái độ trọng nam khinh nữ. Cho đến nay, đầu óc gia trưởng không phải không còn tồn tại trong các gia đình với những quan niệm “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, giữ chữ hiếu là phải có con trai nối dõi tông đường, phải nghe theo lời bố mẹ trong mọi việc, kể cả việc dựng vợ, gả chồng, hôn nhân phải có điều kiện kinh tế tốt “ đại gia”, thách cưới cao, tổ chức cưới xin, tang ma xa hoa, lãng phí và là dịp để thu tiền mừng, tiền viếng. Mặc dù ngày nay, người phụ nữ đã được giải phóng rất nhiều khỏi các ràng buộc nhưng vẫn chưa có bình đẳng giới thực chất. Những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn phải cam chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình.
Hầu hết người cao tuổi trong gia đình hiện nay vẫn được kính trọng, nhưng không còn uy tín và quyền lực lớn như trước. Việc vai trò của người cao tuổi bị giảm dần dễ dẫn đến ý thức coi thường ông bà, cha mẹ của một số người. Không ít trường hợp cha mẹ trở thành người giúp việc cho con cái không lương. Cần thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng người cao tuổi, tìm mọi cách làm vơi bớt sự cô đơn, nỗi đau bệnh tật ở người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động gia đình và xã hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Gia đình cũng là “đơn vị xã hội” đầu tiên cung cấp lực lượng lao động cho xã hội. Từ những người lao động chân tay giản đơn đến những người lao động trí óc đều được sinh ra, được nuôi dưỡng và chịu sự giáo dục của gia đình. Gia đình có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc. Văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước.
Việc xây dựng gia đình văn hóa là cần thiết và cấp bách nhưng cách đi còn phải bàn. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều trường hợp không đạt yêu cầu mà vẫn được cấp bằng khen về gia đình văn hóa. Chẳng hạn, có những địa phương có tới 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa nhưng tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vẫn gia tăng. Điều đó có nghĩa là việc cấp bằng chứng nhận gia đình văn hóa còn mang tính hình thức và chạy theo thành tích của các địa phương. Cũng như vậy, nhiều "phố văn hóa" hoặc "làng văn hóa” cũng không đạt tiêu chuẩn. Điều quan trọng là cán bộ và nhân dân chưa hiểu rõ bản chất của gia đình văn hóa và tầm quan trọng của phong trào này với đời sống gia đình và xã hội.
Lối sống văn hóa đang rất được chú trọng tại Hà Nội. Ngay sau khi giải phóng thủ đô 1954, Hà Nội là nơi gương mẫu thực hiện chế độ một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng cùng giúp đỡ nhau. Phụ nữ cũng đi làm như nam giới. Các tệ nạn tảo hôn, thách cưới, bắt vợ, đòi của hồi môn hầu như không tồn tại., Hà Nội đã có phong trào cưới đời sống mới. Những gia đình lạc hậu phong kiến kìm hãm các lứa đôi đã bị phê phán. Các cặp đôi thực hiện đăng ký kết hôn tại Ủy ban hành chính ( nay là UBND). Đám cưới giản dị, lược bớt các thủ tục rườm rà như chạm ngõ, thách cưới, nghênh hôn.
Hiện nay phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hà Nội vừa được thực hiện theo các quy định chung, vừa gắn với quá trình triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên tinh thần đó, các ngành, các địa phương tùy vào tình hình thực tế đã đưa ra các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phù hợp. Hội Cựu chiến binh phát động phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu"; Ủy ban Mặt trận tổ quốc triển khai phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo" từ thành phố đến cơ sở. Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức tọa đàm về vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội, xây dựng các câu lạc bộ điểm về "Gia đình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; .
Thành phố Hà Nội đã tổ chức truyền thông thường xuyên để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; Phòng, chống bạo lực trong gia đình; Chống tệ nạn xã hội là các chủ đề đang được quan tâm. Cấp ủy và chính quyền các cấp đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị mình. Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc các cấp và Hội nghị toàn quốc (vào quý III năm 2007) nhằm tôn vinh, nhân rộng điển hình các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc để nêu gương cho toàn xã hội.
Kim Sơn