Thư pháp là nghệ thuật dùng cái đẹp của chữ để biểu hiện cái chân, cái thiện của tư tưởng và tâm hồn. Người Việt từ lâu đã thể hiện cảm quan nghệ thuật tinh túy qua từng nét bút của ông cha trên các văn bia, sắc thần, chỉ dụ, các bức hoành phi câu đối…
Ở Việt Nam mặc dù không có truyền thống thư pháp như Trung Hoa hay Nhật Bản, nhưng căn cứ vào một số di cảo, bút tích, mặc tích trên giấy tờ, sách vở, sắc phong hay văn bia còn lại thì nước ta cũng không ít những danh nhân được người đời xưng tụng. Ngày nay, chữ việt viết lối thư pháp bằng công cụ bút lông, mực tàu, như một sự tìm tòi hình thức biểu hiện mới, cũng đang dần trở nên được nhiều người quan tâm. Thư pháp chữ Việt tuy ra đời sau nhưng có sức sáng tạo vô cùng lớn, thư pháp hiện đã được đưa vào rất nhiều chất liệu như gỗ, thư pháp trên đá, thư pháp trên mành tre…
Thư pháp đòi hỏi kiến thức phong phú về văn học, lịch sử, hội họa… do đó người viết thư pháp luôn coi trọng tầm cao của tư duy và cảm xúc thể hiện qua những dòng chữ mình viết. Người viết thư pháp chỉ viết khi tâm hồn hứng khởi, thư thái. Yêu cầu cao trong nghệ thuật viết thư pháp thể hiện ở tính cân đối: cân đối trong tổng thể, cân đối trong nội bộ. Nhưng quan trọng hơn cả, tài năng thư pháp thể hiện tập trung ở sức mạnh tinh thần, ở “thần vận”. Thần vận tạo nên những nét bút tự nhiên, phóng khoáng, từ chữ trước đến chữ sau thật tài luyện, thành thục tưởng chừng như sự chuyển động của ngọn bút chỉ có thể đi theo một quỹ đạo duy nhất không thể khác được. Những động tác mài mực, chấm mực thật khoan thai, từ tốn, có chiều sâu suy tư, khi đã đặt ngọn bút lông lên giấy thì như múa. Nét rung cho nhòa chữ, nét nhấn xuống rồi bất thần vút lên khiến cảm giác như thăng hoa cùng trời đất. Ngọn bút lông đưa đẩy mềm mại một cách có bản lĩnh, thể hiện nét đậm nhạt, khô ướt, thô mảnh… cộng với sự biến hóa của màu mực trực tiếp phản ánh được tình cảm của người viết với trạng thái tinh thần tế nhị, tinh vi hay dữ dằn, bạo liệt… hiện tất cả lên đầu ngọn bút.
Mỗi người viết thư pháp một nét không ai giống ai, có nét chữ đều đặn sắc sảo, có nét chữ bay bướm ngang tàng phóng khoáng, cũng có nét chữ ung dung tự tại, lại có những nét bút rắn rỏi mà thanh thoát… Mỗi tác phẩm tư pháp không đơn thuần là một bức đồ họa, mà còn là sự kết hợp lý tưởng giữa cái đẹp hình tượng thư pháp với vẻ đẹp tâm hồ gửi gắm bên trong. Hàm ý của những chữ viết ra phải quyện chặt với tình cảm của người viết tạo nên sức biểu cảm mạnh mẽ với cái chất trữ tình dồi dào, đó là cái đích của nghệ thuật thư pháp.
Người Việt từ lâu đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật sâu sắc. Đời này qua đời khác, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến,… là những cảm nguồn nghệ thuật để nhân dân tax in chữ. Xin chữ và cho chữ trở thành mỹ tục. Người ta tặng nhau lời chúc, lời nhắn nhủ hay những mong ước về “Tâm”, “Nhân”, “Phúc”, “Thọ”… Một khung chữ đẹp trong nhà như nhắc nhở con người ta sống hướng tới những vẻ đẹp chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.
Trần Duy